Thủ tục chuyển cảng hàng hóa

Bạn muốn tìm hiểu thủ tục chuyển cảng hàng hóa như thế nào? Hay muốn phân biệt với hình thức chuyển cửa khẩu, quá cảnh? 

Tôi sẽ nêu chi tiết trong bài viết này để bạn tham khảo.

Trước hết là khái niệm...

Hàng chuyển cảng là gì?

Là hàng hóa được hãng tàu làm thủ tục vận chuyển giữa các cảng (hoặc các ICD) của Việt Nam để thực hiện lịch trình ghi trên vận đơn hoặc hợp đồng vận chuyển.

Do có sự ngược chiều nhau giữa luồng hàng nhập khẩu và xuất khẩu nên tôi sẽ nêu riêng khái niệm với 2 trường hợp. Cụ thể như sau:

Hàng nhập khẩu chuyển cảng: là hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam, khi đến cửa khẩu nhập, thì hãng tàu tiếp tục vận chuyển đến địa điểm đích ghi trên vận đơn, để tại đó chủ hàng có thể làm thủ tục hải quan nhập khẩu. Địa điểm đích có thể là cửa khẩu khác (cảng biển, sân bay, ga đường sắt quốc tế), hoặc điểm thông quan nội địa (ICD).

Ví dụ: Hàng nhập về dỡ tại cảng Hải Phòng, được hãng tàu làm thủ tục chuyển cảng bằng sà lan ra Cái Lân. Trên B/L ghi Cảng dỡ (Port of Discharge) là Hải Phòng, nhưng Nơi giao hàng (Place of Delivery) lại là Cái Lân. Chủ hàng khi đó cũng sẽ chỉ cần biết mình sẽ làm thủ tục nhập khẩu tại Cái Lân. Việc chuyển cảng từ Hải Phòng ra Cái Lân do hãng tàu tự thu xếp.

B/L hàng nhập chuyển cảngB/L hàng nhập chuyển cảng

Hàng xuất khẩu chuyển cảng: là hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu và đã giao cho hãng tàu tại Địa điểm nhận hàng, nhưng không xuất khẩu tại đó, mà hãng tàu làm thủ tục và vận chuyển hàng đến cảng cửa khẩu (khác) rồi mới xếp lên tàu.

Ví dụ: Hàng làm thủ tục hải quan xuất khẩu và giao cho hãng tàu tại Vũng Tàu. Chủ hàng đã làm xong nghĩa vụ. Hãng tàu tự làm thủ tục hải quan chuyển cảng đến xếp tàu tại Cát Lái, trước khi xuất tàu. Khi đó trên B/L sẽ ghi Nơi nhận hàng (Place of Receipt) là Vũng Tàu, và cảng xếp hàng (Port of Loading) là Cát Lái.

Như vậy qua khái niệm và ví dụ về chuyển cảng cho hàng xuất hay nhập khẩu mà tôi nêu trên, bạn có thể thấy 2 đặc điểm quan trọng của hàng chuyển cảng:

  • Hãng tàu tự làm thủ tục và thu xếp khâu vận tải để chuyển cảng, chủ hàng không cần quan tâm đến khâu này.
  • Chủ hàng chỉ cần làm thủ tục hải quan tại địa điểm giao hàng (xuất khẩu) hoặc địa điểm nhận hàng (nhập khẩu) trên vận đơn.

Thủ tục chuyển cảng hàng hóa

Như tôi đã nói ở trên, việc chuyển cảng do hãng tàu tự thu xếp. Nếu bạn là chủ hàng, thì không cần quan tâm, và không cần đọc tiếp bài này đến công đoạn này.

Còn nếu bạn là hãng tàu hoặc forwarder (được hãng tàu ủy quyền) muốn làm thủ tục và vận chuyển hàng chuyển cảng), thì có thể tìm hiểu các bước như dưới đây. Tôi viết cho hàng nhập khẩu, với hàng xuất khẩu thì cũng tương tự.

Bước 1: Lên tờ khai vận chuyển độc lập OLA

Bạn dùng phần mềm VNACCS, trên thanh Menu vào phần Tờ khai hải quan, và chọn dòng Đăng ký tờ khai vận chuyển (OLA). Sau đó điền thông tin những mục cần thiết liên quan, và truyền tờ khai, tương tự như tờ khai hải quan xuất nhập khẩu.

Tờ khai cũng được phân luồng: Xanh hoặc Vàng, không có luồng Đỏ. Thường là vào luồng Vàng: phải xuất trình hồ sơ (Bước 2 dưới đây).

  • Xem hướng dẫn cách làm tờ khai vận chuyển độc lập tại đây.
  • Đọc thêm về thủ tục hải quan nói chung tại đây.

Bước 2: Nộp hồ sơ hải quan để chuyển cảng hàng hoá:

Bạn đến hải quan giám sát của chi cục hải quan phụ trách cảng xếp hoặc dỡ hàng để nộp hồ sơ, gồm những chứng từ sau:

  • Bản sao thông tin khai báo vận chuyển (OLA): in từ phần mềm
  • Vận đơn (Bill of Lading): bản chụp
  • Bản lược khai hàng hóa (Manifest): bản chụp
  • Giấy ủy quyền của hãng tàu (nếu forwarder làm chuyển cảng)
  • Công văn xin chuyển cảng (tùy chi cục)

Bước 3: Luân chuyển hồ sơ giữa hải quan cảng đi, hải quan đích đến:

Khi hải quan xem và duyệt hồ sơ, bạn sẽ được hải quan cấp 2 chứng từ:

  1. Thông tin phê duyệt khai báo vận chuyển, có đóng dấu công chức. 
  2. Danh sách container đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan (thường gọi là tờ mã vạch).

Bạn đem nộp 2 chứng từ này cho hải quan giám sát tại nơi đến, để họ ghi nhận và phản hồi lại trong hệ thống về việc tiếp nhận hồ sơ hàng hóa. Vậy là bạn làm xong thủ tục hàng chuyển cảng rồi.

Sau khi có Thông tin phê duyệt (nêu trên), nếu hàng chuyển bằng xe tải thì phải kẹp thêm seal niêm phong của hải quan, còn nếu đi bằng sà làn thì không cần.

Lúc này, hãng tàu có thể tiến hành chuyển hàng từ cảng dỡ đến địa điểm đích (với hàng nhập), hoặc từ điểm xếp hàng đến cảng xếp (với hàng xuất). Tất nhiên, người vận chuyển phải đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan (nếu có), niêm phong của hãng vận tải trong quá trình vận chuyển hàng chuyển cảng.

Phân biệt hàng chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, chuyển tải, quá cảnh

Những thuật ngữ này nghe qua có vẻ hơi giống nhau, và nếu không tìm hiểu kỹ thì cũng khó phân biệt được.

Vậy cụ thể khác nhau như thế nào? Tôi xin nêu tóm tắt như sau để bạn tham khảo:

  • Hàng chuyển cảng: do hãng tàu tự thực hiện để đảm bảo lịch trình, chủ hàng không cần quan tâm (như trên đã nêu).
  • Hàng chuyển cửa khẩu: do chủ hàng thực hiện cả về thủ tục và vận chuyển, để được làm thủ tục hải quan tại địa điểm không phải cửa khẩu nhập hoặc xuất. Chẳng hạn hàng nhập về cảng Cát Lái, nhưng bạn xin chuyển cửa khẩu để được làm thủ tục hải quan tại Bình Dương, vì lý do nào đó (chẳng hạn cho thuận tiện đi lại).
  • Hàng quá cảnh (transit): là hàng từ nước xuất khẩu đi nhờ qua đất liền của 1 quốc gia khác để vận chuyển tới điểm đích. Chẳng hạn: hàng từ Lào quá cảnh qua Việt Nam để đến nước khác.
  • Hàng chuyển tải (transhipment): là hàng được chuyển từ một con tàu (thường ở cảng trung chuyển) sang một con tàu khác, trước khi tiếp tục hành trình đến cảng đích. Chẳng hạn, container hàng từ Châu  u được chuyển tải tại Singapore, trước khi lên tàu feeder về Hải Phòng.

Như vậy trong bài viết này tôi đã nêu chi tiết về thủ tục hàng chuyển cảng, cũng như phân biệt với một số thuật ngữ liên quan dễ nhầm lẫn.

Nếu bạn tìm thấy thông tin hữu ích trong bài viết này thì nhấp Like & Share để bạn bè cùng đọc nhé. Cám ơn bạn!

 


Chuyển từ Thủ tục chuyển cảng hàng hóa về Vận tải container

Chuyển từ Thủ tục chuyển cảng hàng hóa về Trang chủ


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.