Thủ tục xuất khẩu xi măng

Bạn đang muốn tìm hiểu thủ tục xuất khẩu xi măng để chuẩn xuất bán mặt hàng này cho người mua nước ngoài?

Bài viết này sẽ giúp bạn trang bị thêm thông tin kiến thức để chuẩn bị cho tốt.

Trước hết là một vài số liệu về thị trường.

Những thị trường xuất khẩu xi măng của VN

Hiện nay thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất là Trung Quốc đại lục, với 4 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 7,3 triệu tấn tương đương với gần 258 triệu USD.

Tiếp theo là các thị trường Phillipines, Bangladesh… với số liệu như bảng dưới (Nguồn: ximang.vn).

Số liệu xi măng xuất khẩuXuất khẩu xi măng 4 tháng đầu năm 2021

Sang năm 2022, thị trường có xu hướng giảm. Theo số liệu từ website baochinhphu.vn, trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu xi măng giảm tới 28% so với cùng kỳ của năm trước.

Sự suy giảm được biết là có một số nguyên nhân chính. Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid, nên giảm nhập khẩu trong đó có mặt hàng xi măng, clinker từ Việt Nam. Trong khi đó, các một số thị trường truyền thống như Philippines, Bangladesh tìm cách gia tăng các chính sách bảo hộ để bảo vệ nền sản xuất trong nước của họ.

Đó là tình hình chung của thị trường xuất khẩu nhóm mặt hàng xi măng và clinker. Với từng doanh nghiệp cụ thể, cần có sự vận dụng linh hoạt cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Chính sách xuất khẩu mặt hàng xi măng

Xếp xi măng xuất khẩu xuống tàu biển

Mặt hàng này có thuộc diện bị cấm hoặc bị hạn chế, hoặc phải xin giấy phép xuất khẩu không? Câu trả lời là không. Đây là sản phẩm thuộc nhóm mặt hàng vật liệu xây dựng, không bị hạn chế gì về chính sách và cũng không cần xin giấy phép XK. Về nội dung này, bạn có thể tham khảo chi tiết trong Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Vậy hàng xi măng có thuộc diện được khuyến khích bán đi nước ngoài để thu ngoại tệ về cho đất nước hay không? Tôi không chắc chắn, nhưng có lẽ cũng không thuộc diện được thực sự khuyến khích, vì xi măng có hàm lượng nguyên liệu nhiều từ khoáng sản, cụ thể là đá vôi: xuất khẩu nhiều sẽ dễ dẫn đến khai thác quá mức nguồn tài nguyên của đất nước.

Văn bản quy định liên quan:

  • Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
  • Thông tư 05/2019/TT-BXD hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Khi làm thủ tục xuất khẩu xi măng, có cần phải kiểm tra chuyên ngành hay tuân thủ chỉ tiêu kỹ thuật gì không? Theo quy định về chỉ tiêu kỹ thuật của vật liệu xây dựng xuất khẩu tại Phụ lục 1 trong Thông tư 05/2019/TT-BXD thì không có mặt hàng xi măng. Điều này nghĩa là hàng Xi măng xuất khẩu không cần làm kiểm tra chuyên ngành.

Tuy vậy, theo yêu cầu từ người nhập khẩu, thường sẽ cần công ty giám định (chẳng hạn như SGS) kiểm nghiệm chất lượng và số lượng hàng hóa.

Tóm lại, về chính sách mặt hàng, thì xuất khẩu xi măng không thuộc diện cấm hay hạn chế, và cũng không cần kiểm tra chất lượng nhà nước cho lô hàng xuất này.

Điều đó có nghĩa là, bạn có thể làm thủ tục xuất khẩu xi măng như hàng thông thường khác.

Mã HS của hàng Xi măng xuất khẩu

Theo kinh nghiệm của công ty tôi, có thể tham khảo áp mã HS chương 25

  • Nhóm 2523 - Xi măng Portland, xi măng nhôm, xi măng xỉ, xi măng super sulphat và xi măng chịu nước (xi măng thuỷ lực) tương tự.
  • Nhóm 3816 - Xi măng, vữa, bê tông chịu lửa và các loại vật liệu kết cấu tương tự

Tùy theo tính chất công dụng và đặc tính của hàng hóa mà nghiên cứu áp mã HS cho phù hợp. Với các sản phẩm xi măng xây dựng thông thường, mã 2523 là lựa chọn phù hợp.

Với mã HS nêu trên, thuế suất xuất khẩu cho nhóm mặt hàng này là 0%.

Nhãn mác, xuất xứ xi măng xuất khẩu

Nhãn mác xi măng xuất khẩu MỹHình ảnh nhãn mác Xi măng NORTH STRONG xuất khẩu

Việc làm nhãn mác tuân theo tập quán thương mại, cũng như yêu cầu riêng (nếu có) từ phía người mua. Thông thường, trên bao bì hàng hóa cần ghi những thông tin cơ bản như: tên hàng, thông tin nhà sản xuất, nước xuất xứ (Made in Vietnam)... Ngoài ra, trên các bao kiện hàng có thể cần bổ sung thêm các Shipping Mark cần thiết theo thỏa thuận trong hợp đồng ngoại thương, để thuận tiện cho khâu giao nhận và vận chuyển hàng hóa.

Với các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, thì ghi thông tin xuất xứ Made in Vietnam là gần như bắt buộc. Nội dung này còn được thể hiện rõ trên giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của lô hàng.

Tùy theo nước nhập khẩu và yêu cầu từ người mua hàng nước ngoài, mà người bán hàng Việt Nam phải cung cấp thêm C/O theo mẫu phù hợp. Chẳng hạn:

  • Hàng xuất đi Trung Quốc: C/O Form E;
  • Xuất đi các nước ASEAN: C/O Form D;
  • Đi các nước không có chính sách ưu đãi thuế: C/O mẫu B.

Tiếp theo là các bước cần thực hiện khi làm thủ tục…

Các bước làm thủ tục xuất khẩu xi măng từ Việt Nam

Tương tự như hàng thông thường, bạn cần thực hiện những bước công việc chính như sau:

Chuẩn bị làm thủ tục

Một số công việc đã chuẩn bị trước đó:

  • Ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương,
  • Thu xếp lịch vận chuyển (cước biển, cước hàng không),
  • Chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng,
  • Vận chuyển hàng ra cảng…

Đóng hàng vào container, đưa hàng ra cảng

Xe Vinalogs tại Vicem HL

Với hàng vận chuyển bằng container đường biển, người vận chuyển sẽ kéo vỏ container rỗng (đủ điều kiện đóng hàng) đến kho. Bên kho hàng sẽ đóng hàng, chằng buộc chèn lót hàng hóa trong container cho chắc chắn để đảm bảo an toàn.

Sau đó container hàng sẽ được tập kết về cảng, chờ xếp lên tàu.

Việc giám định hàng, cân khối lượng hàng cũng được thực hiện trong giai đoạn này. Thông tin khối lượng hàng xác nhận (VGM) được chuyển cho hãng tàu trong thời hạn quy định trong Booking Note.

Nếu vận chuyển bằng tàu hàng rời, hàng hóa sẽ được vận chuyển tập kết đến cảng và xếp xuống tàu, mà không đóng vào container.

Làm thủ tục thông quan

Sau khi tập kết hết container hàng về cảng, chủ hàng tiến hành khai báo và truyền tờ khai hải quan bằng phần mềm VNACCS. Theo kết quả phân luồng (Xanh, Vàng, Đỏ) mà làm các bước công việc tương ứng:

  • Luồng Xanh: thông quan
  • Luồng Vàng: hải quan kiểm tra hồ sơ trước khi thông quan
  • Luồng Đỏ: hải quan kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hóa, trước khi thông quan lô hàng

Sau khi lô hàng được thông quan, tờ khai chuyển qua lấy xác nhận của khu vực giám sát, sau đó nộp cho đại diện hãng tàu.

Khi hàng xếp lên tàu và có Vận đơn đường biển, người xuất khẩu làm chứng nhận xuất xứ cho lô hàng.

Hoàn thành bộ chứng từ xuất khẩu

Sau khi tàu chạy, chủ hàng tập hợp bộ chứng từ cần thiết để gửi cho phía người mua hàng. Trong bộ chứng từ đó có các loại như:

  • Hợp đồng ngoại thương
  • Hóa đơn thương mại
  • Phiếu đóng gói
  • Chứng nhận xuất xứ
  • Chứng thư giám định (nếu có)
  • Tài liệu về hàng hóa: CQ, CA, Catalogs…

Đến bước này coi như bạn đã hoàn tất việc làm thủ tục xuất khẩu xi măng cho lô hàng của mình. Việc tiếp theo là phối hợp cùng với người mua theo dõi lịch trình vận chuyển, và nhận thanh toán từ người mua (tùy theo phương thức thanh toán cụ thể).

Có thể nói, làm thủ tục xuất khẩu xi măng không có gì đặc biệt, có phần đơn giản hơn xuất khẩu mặt hàng clinker. Tuy vậy nếu chưa có kinh nghiệm bạn cũng cần tìm hiểu cặn kẽ và chuẩn bị cho từng bước thực hiện, như chúng tôi vừa tóm tắt trên đây. 

Qua bài viết này, hy vọng chúng tôi đã đem lại cho bạn những thông tin tham khảo bổ ích, giúp cho công việc của bạn thuận lợi hơn. Nếu được như vậy thì bạn nhớ Like & Share động viên nhé.

Và nếu có nhu cầu tìm đơn vị làm dịch vụ xuất khẩu cho lô hàng của bạn, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo link dưới đây. Cảm ơn bạn!

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu



New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.