Thủ tục nhập khẩu thép - 2023

Chào các bạn. Trong bài viết này tôi sẽ nói về thủ tục nhập khẩu thép các loại, bạn có thể tìm hiểu cho những loại hàng phổ biến như: thép cuộn, thép tấm, thép ống, thép cốt bê tông, tôn mạ màu...

Thủ tục nhập khẩu loại hàng này hiện tại thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và được điều chỉnh bởi một loạt các văn bản khác nhau, ví dụ:


  • Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN (gọi tắt là Thông tư 58) và Thông tư số 18/2017/TT-BCT về công bố tiêu chuẩn áp dụng
  • Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và 02/2017/TT-BKHCN quy định về công bố hợp quy
  • Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN và 07/2017/TT-BKHCN quy định về thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng thép nhập khẩu. 
  • Thông tư 14/2017/TT-BCT bãi bỏ 12/2015/TT-BCT chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động thép.

Căn cứ theo những quy định này thì quy trình thủ tục nhập khẩu thép sẽ gồm 4 nhóm công việc chính sau:

  1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm thép nhập khẩu. 
  2. Công bố hợp quy đối với sản phẩm thép nhập khẩu.
  3. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thép nhập khẩu.
  4. Thông quan hàng hóa

Vậy chúng ta cùng lần lượt tìm hiểu từng bước của quy trình thủ tục nhập khẩu thép nhé!

Thủ tục nhập khẩu thépDỡ hàng cuộn thép tại kho

1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng cho thép nhập khẩu

Để nhập khẩu một sản phẩm thép mới, bạn phải thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Thông tư 58, cụ thể là theo Điều 3: “Công bố tiêu chuẩn áp dụng và áp dụng phương pháp thử nghiệm không phá hủy”.

Tiêu chuẩn áp dụng do bạn tự công bố sau đó sẽ được sử dụng để thực hiện công bố hợp quy và tự đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng khi kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu.

I. Tiêu chuẩn sử dụng để công bố áp dụng:

1. Đối với các loại thép được phân loại theo mã HS quy định tại Phụ lục II của Thông tư 58, tiêu chuẩn để công bố áp dụng cho thép nhập khẩu dụng thực hiện như sau:

  • Trường hợp sử dụng tiêu chuẩn cơ sở để công bố áp dụng, tiêu chuẩn cơ sở đó phải có các yêu cầu kỹ thuật không được thấp hơn các yêu cầu kỹ thuật quy định tại tiêu chuẩn quốc gia tương ứng của Việt Nam.
  • Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở đó phải có các yêu cầu kỹ thuật không được thấp hơn các yêu cầu kỹ thuật  quy định tại tiêu chuẩn quốc tế.
  • Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, của nước xuất khẩu hoặc chưa có tiêu chuẩn quốc tế thì phải đáp ứng các yêu cầu ghi tại mục 3 phần này. 

(Quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư 58)

2. Đối với các loại thép phân loại theo mã HS quy định tại Phụ lục III của Thông tư 58: sử dụng tiêu chuẩn quốc gia tương ứng của Việt Nam hoặc của nước xuất khẩu để công bố.

3. Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các chỉ tiêu cơ bản của sản phẩm thép như sau:

a) Chỉ tiêu kích thước, ngoại quan và cơ lý:

  • Kích thước hình học: đường kính/chiều dày, chiều rộng; chiều dài;
  • Ngoại quan: bề mặt, mép cán;
  • Chỉ tiêu cơ lý:
    + Giới hạn chảy; giới hạn bền kéo; độ giãn dài tương đối; hoặc
    + Giới hạn chảy; giới hạn bền kéo; độ giãn dài tương đối; giới hạn độ bền uốn; hoặc
    + Giới hạn chảy; giới hạn bền kéo; giới hạn độ cứng; giới hạn độ bền uốn.
  • Đối với sản phẩm có phủ/mạ/tráng: công bố bổ sung độ dày của lớp phủ/mạ/tráng và độ bám dính.

b) Chỉ tiêu hóa học:

  • Tất cả các sản phẩm thép phải thực hiện công bố hàm lượng của 05 nguyên tố hóa học C, Si, Mn, P, S;
  • Đối với sản phẩm thép không gỉ (rỉ) phải công bố bổ sung thêm hàm lượng của 02 nguyên tố hóa học Cr, Ni;
  • Đối với sản phẩm thép hợp kim phải công bố bổ sung tối thiểu hàm lượng của 01 nguyên tố hợp kim (theo chủng loại thép hợp kim do tổ chức, cá nhân đăng ký).

II. Trình tự công bố tiêu chuẩn áp dụng:

Trình tự thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng cho thép nhập khẩu được thực hiện theo quy định về công bố tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) tại Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN như sau:

  • Bước 1: Lập kế hoạch xây dựng TCCS ;
  • Bước 2: Biên soạn dự thảo TCCS;
  • Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo TCCS;
  • Bước 4: Tổ chức hội nghị chuyên đề về dự thảo TCCS;
  • Bước 5: Xử lý ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo TCCS;
  • Bước 6: Lập hồ sơ dự thảo TCCS;
  • Bước 7: Thẩm tra dự thảo TCCS;
  • Bước 8: Công bố TCCS;
  • Bước 9: In ấn TCCS.
Kiểm tra thực tế hàng nhậpHải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu (Ảnh: Báo Hải quan)

2. Thủ tục công bố hợp quy thép nhập khẩu

Mặt hàng thép thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc sự quản lý của Bộ KH&CN. Do đó sau khi công bố tiêu chuẩn áp dụng, bạn cần công bố hợp quy cho mặt hàng thép của mình dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Công bố hợp quy là điều kiện bắt buộc để đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước về sản phẩm thép nhập khẩu.

Công bố hợp quy sản phẩm thép nhập khẩu dựa trên kết quả tự đánh giá của doanh nghiệp nhập khẩu hoặc thông qua kết quả đánh giá của tổ chức đánh giá đã đăng ký.

Hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

a) Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2 quy định tại Phụ lục III Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và nội dung bổ sung quy định tại Khoản, 7 Điều 1, Thông tư 02/2017/TT-BKHCN);

b) Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau:

  • Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax;
  • Tên sản phẩm, hàng hóa;
  • Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật;
  • Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật;
  • Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.

Báo cáo tự đánh giá dựa trên kết quả tự thực hiện của doanh nghiệp tại phòng thí nghiệm đã đăng ký hoặc dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký như Quatest 1, Quatest 3, Vinacontrol…

3. Kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu

Trước đây, thủ tục kiểm tra chất lượng (sau đây viết tắt là KTCL) các mặt hàng thép nhập khẩu được thực hiện thống nhất theo Thông tư 58, trong đó gồm 02 bước chính:

  • Bước 1: Đánh giá sự phù hợp về chất lượng của thép do tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện.
  • Bước 2: Kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với thép nhập khẩu.

Ngoài ra, đối với các mặt hàng thép được phân loại theo mã HS tại mục 2 Phụ lục III thông tư liên tịch này, bao gồm thép hợp kim có mã HS 72241000 và 72249000, thì khi nhập khẩu bạn phải làm thủ tục xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép và xác nhận kê khai nhập khẩu thép với Bộ Công thương.

Tuy nhiên, với việc ban hành thông tư 18/2017/TT-BCT về việc bãi bỏ nhiều điều trong Thông tư 58, giờ đây bạn sẽ không phải tiến hành KTCL theo thông tư 58 này nữa.

Điều này có nghĩa là khi làm thủ tục Hải quan nhập khẩu, bạn không cần phải nộp cho cơ quan Hải quan “Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu” do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ KHCN cấp, cũng như không cần phải nộp “Bản kê khai thép nhập khẩu” đã được Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương xác nhận và bản sao “Giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép” của Sở Công Thương để thông quan hàng hóa.

Thay vào đó, theo công văn số 945/TĐC-QL ngày 11/10/2017 của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thủ tục KTCL các mặt hàng thép nhập khẩu giờ đây được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN và 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.

Cụ thể, theo điều 5a sửa đổi, thủ tục KTCL nhập khẩu thép (trừ thép làm cốt bê tông) được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 sửa đổi của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN, tức là kết quả KTCL sẽ dựa trên kết quả tự đánh giá của người nhập khấu, trừ trường hợp nếu có nghi ngờ về chất lượng thép nhập khẩu thì sẽ thực hiện theo khoản 2 Điều 5 sửa đổi của thông tư này, tức là kết quả KTCL sẽ dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận.

3.1. Trình tự tiến hành kiểm tra chất lượng:

- Bước 1: Đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục TCĐLCL). Trong vòng 01 ngày làm việc, bạn nhận lại bản đăng ký KTCL có xác nhận đã đăng ký của Chi cục TCĐLCL và nộp cho cơ quan Hải quan để thông quan hàng hóa.

- Bước 2: Nộp kết quả tự đánh giá theo quy định cho cơ quan kiểm tra (Chi cục TCĐLCL) trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa.

(Quy định tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN) 

3.2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng bao gồm các chứng từ:

  • Giấy “Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu” (04 bản, theo Mẫu 1. ĐKKT - phần Phụ lục kèm theo Thông tư 27/2012/TT-BKHCN). Trong đó nêu rõ người nhập khẩu tự đánh giá sự phù hợp và cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.
  • Công bố hợp quy sản phẩm thép nhập khẩu.
  • Bản sao hợp đồng (Contract), danh mục hàng hóa (Packing list) (nếu có).
  • Bản sao (có xác nhận của người nhập khẩu) vận đơn (Bill of Lading); hóa đơn (Invoice); giấy chứng nhận xuất xứ (C/O-Certificate of Origin) (nếu có). 
  • Tờ khai hàng hóa nhập khẩu 
  • Ảnh mẫu hàng hóa nộp cho cơ quan chứng nhận hợp quy hoặc bản mô tả hàng hóa; 
  • Mẫu nhãn hàng nhập khẩu đã được gắn dấu hợp quy và nhãn phụ (nếu nhãn chính chưa đủ nội dung theo quy định).
  • Chứng nhận lưu hành tự do CFS (nếu có).

(Tham khảo Điều 6, Thông tư 27/2012/TT-BKHCN)

3.3. Bản kết quả tự đánh giá kiểm tra chất lượng bao gồm các thông tin sau:

  • Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax;
  • Tên sản phẩm, hàng hóa;
  • Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
  • Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
  • Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.

(Quy định tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư 07/2017/TT-BKHCN)

Một điều dễ nhận thấy khi nghiên cứu Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN đó là việc KTCL đối với các sản phẩm thép nhập khẩu được chuyển sang hậu kiểm tra sau thông quan. Trong vòng 01 ngày sau khi đăng ký KTCL, bạn nộp lại bản Đăng ký kiểm tra (Mẫu 01) có xác nhận của Chi cục TCĐLCL cho cơ quan Hải quan là có thể thông quan cho lô hàng của mình.

4. Thông quan - hoàn tất thủ tục nhập khẩu thép

Sau khi hoàn thành các công việc: Công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy và đăng ký KTCL nhà nước (chưa cần có kết quả KTCL), là bạn đã hoàn toàn đủ điều kiện để tiến hành làm thủ tục hải quan cho lô hàng của mình rồi nhé.

Bộ hồ sơ nộp cho cơ quan Hải quan bao gồm:

Như vậy sau khi thực hiện toàn bộ các công đoạn trên là bạn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu thép rồi. Sau khi bạn xuất trình bộ hồ sơ đầy đủ và chuẩn chỉnh như trên cho cơ quan Hải quan là lô hàng có thể thông quan.

Thuế với hàng sắt thép nhập khẩu

Ngoài việc chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành, mặt hàng thép nhập khẩu tùy loại sẽ có thể phải chịu các loại thuế sau:

  • Thuế tự vệ theo quy định tại Quyết định 2968/QĐ-BCT, công văn 10704/BCT-QLCT và 1099/BCT-QLCT đối với hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.
  • Thuế chống bán phá giá theo quy định tại 1656/QĐ-BCT ngày 29/4/2016 của Bộ Công thương đối với một số mặt hàng thép không gỉ cán nguội dạng cuộn hoặc dạng tấm nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan.
  • Thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 1105/QĐ-BCT ngày 30/3/2017 của Bộ Công thương.
  • Thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc theo Quyết định số 957/QĐ-BCT ngày 21/03/2017 của Bộ Công thương.

Các quyết định trên có quy định về mã HS sản phẩm thép nhập khẩu phải chịu thuế, các bạn nghiên cứu và đối chiếu với mặt hàng cụ thể khi làm thủ tục nhập khẩu thép.

Nói chung, thủ tục cần thực hiện với mặt hàng thép nhập khẩu là khá phức tạp, nhiều bước, cần tìm hiểu kỹ trước khi bắt đầu làm.

Nếu bạn cảm thấy thủ tục nhập khẩu thép còn nhiều điểm chưa rõ, nên muốn tìm kiếm một bên cung cấp dịch vụ thủ tục nhập khẩu và thông quan thì hãy liên hệ yêu cầu báo giá trong mẫu dưới đây. Bạn sẽ nhận được chất lượng dịch vụ như ý và những tư vấn chính xác nhất.

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu


Đến đây tôi xin kết thúc bài viết về thủ tục nhập khẩu các loại sắt thép.

Nếu bạn tìm thấy thông tin hữu ích trong bài viết này thì nhấp Like & Share để bạn bè cùng đọc nhé. Cám ơn bạn!

 

Người thực hiện: Nguyễn Ngọc Huy


Chuyển từ Thủ tục nhập khẩu thép về Xuất nhập khẩu

Chuyển từ Thủ tục nhập khẩu thép về Trang chủ


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.