Cảng Cảng Cái Mép Thị Vải - Cảng container lớn nhất Việt Nam

GIỚI THIỆU CHUNG

Cảng Cảng Cái Mép Thị Vải, có tên đầy đủ là Cảng Quốc tế Tân cảng - Cái Mép (gọi tắt là TCIT). Ban đầu đây là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với 3 đối tác nước ngoài bao gồm hãng tàu MOL của Nhật Bản, hãng tàu Wan Hai của Đài Loan và hãng tàu Hanjin của Hàn Quốc (hãng này đã phá sản). TCIT được Chính phủ Việt Nam cấp giấy chứng nhận vào tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư 100 triệu đô la Mỹ (tương đương với khoảng 2000 tỷ đồng).

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2011, TCIT nỗ lực mang đến cho khách hàng những dịch vụ cảng container đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với vị thế cảng nước sâu nằm gần ngã ba sông Thị Vải - Cái Mép, cách trạm hoa tiêu Vũng Tàu 18 hải lý, TCIT là điểm trung chuyển rất thuận lợi cho hàng hoá giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các thị trường xuất nhập khẩu chủ đạo của Việt Nam là Châu Mỹ, Châu u và Châu Á… Luồng chạy tàu có độ sâu âm 14 mét; độ sâu khu vực bến cảng âm 16,8m; vùng quay trở tàu rộng 500m, rất thích hợp cho việc phục vụ các siêu tàu trọng tải lên đến 160.000 DWT (tương đương với 14.000 Teu).

Toàn cảnh cảng Cái Mép Thị Vải

Theo Cục Hàng hải tại Việt Nam, lượng hàng hóa được thông qua tại các cảng biển trong khu vực Cái Mép – Thị Vải dự kiến đã chiếm ít nhất là 50% tổng số lượng hàng hóa được qua các cảng biển của cả nước. Với sự hỗ trợ từ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhà khai thác cảng lớn nhất Việt Nam và với 3 đối tác lớn của nước ngoài, TCIT đã được giới chuyên gia đánh giá là một cảng hiện đại, có sự đầu tư đồng bộ và có vị trí địa lý bậc nhất ở Đông Nam Á, trên đà phát triển nhanh chóng và đã trở thành nhà khai thác cảng container đẳng cấp thế giới.

Trang thiết bị

Trang thiết bị tại cảng Cái Mép Thị VảiTrang thiết bị tại cảng Cái Mép Thị Vải


Cầu bờ STS cảng Cái Mép Thị VảiCầu bờ STS


Cầu sà lan cảng Cái Mép Thị VảiCầu sà lan


Cầu sà lanBãi container Tân Cảng Cái Mép Thị Vải


Thành tựu lớn

Năm 2019 là một năm tiếp tục phát triển và khởi sắc của các cảng container tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Cảng TCIT năm 2019 khai thác 10 tuyến dịch vụ hàng tuần trong đó có 7 tuyến đến khu vực Bắc Mỹ, 1 tuyến đến châu u và 2 tuyến Nội Á do 3 liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới triển khai tại Cảng bao gồm liên minh THE Alliance, OCEAN Alliance, và 2M+HMM.

Trong đó có 3 tuyến dịch vụ có sức chở lên tới 14.000 TEU. Đặc biệt ngày 29/1/2019 và ngày 17/2/2019, TCIT đã tiếp nhận thành công 2 chuyến tàu mang tên COSCO ITALY và COSCO SPAIN có trọng tải lên đến 157.000 DWT do hãng tàu COSCO khai thác trên tuyến dịch vụ CPNW kết nối giữa Việt Nam và Canada.

Hàng hóa XNK qua cảng TCITHàng hóa XNK qua cảng TCIT


Trước đó, ngày 13/2/2019 cảng này thiết lập kỷ lục xếp dỡ mới trong ngành khai thác cảng Việt Nam với năng suất xếp dỡ 207,36 container/giờ khi làm hàng cho tàu EXPRESS BERLIN thuộc tuyến dịch vụ FE5 (tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam - châu u), d- vượt qua kỷ lục trước đó là 197.71 container/giờ khi giải phóng tàu MOL ADVANTAGE được thiết lập vào tháng 4 năm 2013.

Đây là những dấu mốc hết sức quan trọng chứng minh năng lực, vị thế của Cảng TCIT cũng như ngành Cảng biển Việt Nam trên bản đồ cảng biển thế giới.

Trong năm 2019, để tiếp tục nâng cao năng lực tiếp nhận tàu cỡ lớn, nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cảng TCIT đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại bao gồm 1 cẩu bờ lớn nhất Việt Nam có tầm với 24 hàng nâng số cẩu bờ lên 10 chiếc , thêm 2 cẩu bãi nâng số lượng cẩu lên 22 chiếc, đầu tư thêm 10 xe đầu kéo và 2 xe nâng cùng nhiều trang thiết bị khác. Đồng thời, TCIT đã và đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ bằng việc nâng cao năng suất xếp dỡ, giải đáp các khó khăn thắc mắc của khách hàng 24/7, đơn giản hoá thủ tục thông quan, đẩy mạnh công tác vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy từ TCIT về Tp. HCM với chính sách hỗ trợ tối đa khách hàng về chi phí.

10/06/2021, TCIT đã thiết lập mức kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ MEISHAN BRIDGE

Vào 19:03 10/06/2021, TCIT đã thiết lập mức kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ với tổng sản lượng xếp dỡ container lên tới 14.235 TEU trên tàu MEISHAN BRIDGE, trong đó sản lượng container nhập là 7.014 TEU và sản lượng xuất lên tàu là 7,221 TEU. Đây là cột mốc hết sức ấn tượng không chỉ đối với TCIT nói riêng mà còn đối với ngành cảng biển và nền kinh tế Việt Nam nói chung khi các nền kinh tế và tình hình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển toàn cầu từ đầu năm đến nay vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, tình trạng kẹt cảng nghiêm trọng tại Mỹ cũng như sự cố tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez vào ngày 23/3/2021.

Tàu MEISHAN BRIDGETàu MEISHAN BRIDGE


Tàu MEISHAN BRIDGE có chiều dài 366 mét và sức chở 14.235 TEU của hãng tàu Ocean Network Express (ONE) khai thác trên tuyến dịch vụ EC4 của liên minh THE (bao gồm các hãng tàu ONE, Hapag-Lloyd, Yang Ming và HMM), kết nối Việt Nam đi bờ Đông nước Mỹ. Để đảm bảo năng lực khai thác tàu với mức sản lượng xếp dỡ lên tới 14.235 TEU - cao hơn sức chở tàu 14.000 TEU và tương đương gần 30% sức chứa bãi chỉ trong vòng 55,7 giờ với năng suất làm hàng 145,34 container/giờ, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác phòng chống dịch tại Cảng, TCIT đã nỗ lực hết sức trong việc bố trí trang thiết bị, sắp xếp bãi cũng như phân bổ nhân lực làm việc ngày đêm, đáp ứng quá trình làm hàng được thông suốt mà vẫn đảm bảo thời gian cập rời cho tàu theo lịch trình.

Kỷ lục xếp dỡ 14.235 TEU trên tàu MEISHAN BRIDGE là minh chứng cho sự tin tưởng của liên minh THE nói riêng, các hãng tàu, khách hàng nói chung khi tiếp tục chọn TCIT là điểm đến tin cậy về chất lượng dịch vụ cũng như năng lực để tiếp nhận những tuyến dịch vụ với sản lượng lớn nhất Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế cảng nước sâu hàng đầu Việt Nam, đồng thời là nguồn động lực to lớn để TCIT tiếp tục phát huy và phát triển hơn nữa để chinh phục những kỷ lục và thành công mới trong tương lai.

Ngày 7/7/2022, Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép đã xếp dỡ TEU thứ 15.000.000 TEU thông qua cảng sau gần 12 năm đi vào hoạt động khi tiếp nhận thành công tàu mẹ ONE CRANE thuộc tuyến dịch vụ PS7 đi bờ Tây nước Mỹ.

Sự kiện này là một cột mốc mới khẳng định cho vị thế, vai trò và sự phát triển bền vững của cảng TCIT nói riêng, cũng như tiềm năng, sức hút của khu vực cụm cảng Cái Mép Thị Vải thuộc hệ thống cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.

Cảng Cái Mép Thị Vải

Kể từ khi TCIT đón chuyến tàu mẹ đầu tiên mang tên MOL PRECISION cập cảng làm hàng ngày 15/01/2011 đến nay, bằng những định hướng, đường lối lãnh đạo đúng đắn của ban điều hành TCIT và các đối tác góp vốn, cùng sự hỗ trợ hệ thống của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, sự tin tưởng đồng hành của các khách hàng, hãng tàu, cảng TCIT đã không ngừng phải triển và là cảng nước sâu lớn nhất cả nước, giữ thị phần số 1 tại khu vực cụm cảng Cái Mép Thị Vải với hơn 50%, tiếp nhận gần 4.500 lượt tàu mẹ, 8 – 12 tuyến dịch vụ quốc tế hàng tuần kết nối hàng hóa giữa Việt Nam với các thị trường lớn như Mỹ, Châu u và nội Á, và là cảng có sản lượng lớn thứ hai cả nước sau cảng Tân Cảng – Cát Lái.

Bên cạnh đó, TCIT đã tạo ra những dấu ấn riêng trong hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc liên tục thiết lập các mốc kỷ lục trong ngành cảng biển Việt Nam như kỷ lục về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ (15.615 TEU) và năng suất xếp dỡ (238,08 cont/ giờ/ tàu), đạt giải thưởng Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC, góp phần nâng tầm ngành cảng biển nước nhà trên bản đồ hàng hải thế giới. Đặc biệt, trong 2 năm gần nhất TCIT liên tiếp vượt mốc 2 triệu TEU mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19, tiếp tục giữ vững vị thế số 1 khu vực Cái Mép – Thị Vải. Với những kết quả đạt được, TCIT đã tạo “đòn bẩy” giúp các ngành kinh tế khác cùng phát triển, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam và cả nước.

Sự kiện vượt mốc 15.000.000 TEU sản lượng thông qua cảng là một trong những dấu ấn đậm nét của TCIT trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Với phương châm “Không ngừng đổi mới, Đẩy mạnh hợp tác đầu tư, Nâng sức cạnh tranh, Kinh doanh hiệu quả”, TCIT sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, thúc đẩy các hoạt động vận tải biển, giúp giảm thời gian chi phí logistic cho khách hàng, gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần vào sự phát triển của khu vực CM-TV nói riêng và Việt Nam trên thị trường quốc tế nói chung.

Đến đầu năm 2024, cảng Cái Mép – Thị Vải đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Mỹ, Châu Âu vượt trội hơn hẳn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore vì đây là 2 cảng hub). Ngoài ra, kích cỡ tàu vào Cái Mép cũng gia tăng nhanh chóng, 40% số tuyến dịch vụ khai thác tàu kích cỡ trên 160.000DWT. Tàu tuyến Á - Âu chủ yếu khai thác đội tàu kích cỡ từ 18.000TEUS trở lên, tàu lớn nhất ra/vào cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là 194.000DWT.

Khó khăn

Được đầu tư trên 84.000 tỷ đồng, cụm cảng Cái Mép Thị Vải là một trong 21 cảng biển nước sâu thế giới có thể đón những siêu tàu thế hệ mới với tải trọng lên đến 200.000 tấn. Thế nhưng qua hơn 10 năm, lượng hàng hóa qua cảng đến nay mới chỉ đạt hơn 50% công suất thiết kế.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 69 dự án cảng biển được quy hoạch, trong đó có 41 dự án đã được triển khai và đưa vào hoạt động với công suất 141,4 triệu tấn/năm. Riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có 35 dự án, trong đó 22 dự án đã đưa vào khai thác, công suất 117,8 triệu tấn/năm. Tuy vậy, con số còn ở mức khiêm tốn khi công suất hàng container năm 2015 chỉ ở mức 20% và đến 2019 mới được nâng lên 53%. Điều đó cho thấy hiệu quả khai thác cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép Thị Vải chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhất là cảng lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có nền kinh tế sôi động nhất cả nước.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, có nhiều nguyên nhân khiến cảng Cái Mép - Thị Vải chưa phát huy hết hiệu quả, trong đó kết nối giao thông thiếu đồng bộ là một trong những nguyên nhân chính. Cụ thể, tuyến đường liên cảng Cái Mép Thị Vải mặc dù đã hoàn thành giai đoạn I nhưng dự án cầu Phước An kết nối cảng với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và cao tốc Bến Lức - Long Thành về miền Tây thì chưa rõ khi nào hoàn thành. Cảng cũng chưa có trung tâm logistics, các depot công rỗng để hỗ trợ vận tải và thúc đẩy dịch vụ hậu cần. Đây chính là điểm hạn chế làm tăng chi phí vận tải đến cảng.

Một doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Cái Mép - Thị Vải phân tích: một container hàng về KCN Bàu Bàng (Bình Dương), nếu vận chuyển về thông quan ở cảng Cát Lái thì phí vận chuyển chỉ khoảng 3,5 triệu đồng (600.000 đồng vận chuyển bằng sà lan về Cát Lái và 2,9 triệu đồng vận chuyển từ Cát Lái về KCN Bàu Bàng). Trong khi đó, nếu thông quan tại Cái Mép - Thị Vải, sau đó phải vận chuyển hoàn toàn bằng đường bộ về KCN Bàu Bàng thì chi phí lên đến 4,6 triệu đồng. Những bất lợi đó khiến năm 2019, mặc dù có hơn 3,4 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cái Mép - Thị Vải nhưng chỉ có 15% lượng container qua đường bộ vào làm thủ tục thông quan.

Theo ông Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép Thị Vải được đưa vào hoạt động từ 2009, trung bình mỗi năm Trung ương thu về một năm khoảng 12.000 tỷ đồng, trong khi Trung ương mới chỉ đầu tư cho cụm cảng tổng thể hơn 5.700 tỷ đồng. Đây mới chỉ là số thu khi cụm cảng này hoạt động 40% công suất thiết kế; nếu công suất của cụm cảng được nâng lên 80% thì số thu sẽ tăng lên 24.000 trong khi thu từ dầu khí của tỉnh năm 2019 mới đạt 29.000 tỷ đồng. Như vậy việc đầu tư nâng công suất của cụm cảng Cái Mép Thị Vải là vấn đề cấp thiết cần nhanh chóng triển khai, nhằm khai thác tối đa lợi thế của cảng, tăng thu ngân sách Nhà nước; từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo tinh thần Nghị quyết.

Định hướng tương lai

Với mục tiêu phát huy tiềm năng lợi thế của cảng biển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quan tâm, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế, nhằm tăng năng lực khai thác cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến đường kết nối với hệ thống cảng như: đường liên cảng Thị Vải-Cái Mép giai đoạn 1 kết nối toàn bộ hệ thống cảng biển từ Cái Mép hạ đến khu vực Mỹ Xuân; khởi công các tuyến kết nối nội vùng như đường 991B, đường Phước Hòa-Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân, đường Long Sơn-Cái Mép; đang đầu tư dự án thi công tuyến đường 991B kết nối hệ thống cảng Cái Mép Thị Vải qua Trung tâm Logistics Cái Mép hạ, Khu công nghiệp Phú Mỹ III với Quốc lộ 51 và kết nối với đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai; và dự án cầu Phước An để kết nối hệ thống cảng Cái Mép Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành.

Để Cảng Cái Mép Thị Vải phát triển đúng với vị trí, vai trò tiềm năng, lợi thế được xác định, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là 1 trong 42 dự án trọng điểm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với tổng mức đầu tư khoảng 19.200 tỷ đồng; có quy mô diện tích khoảng 1.763ha, trong đó có 936 ha đất rừng. Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch 1/2.000 và đang lập Báo cáo tiền khả thi, dự kiến sẽ trình các bộ, ngành Trung ương vào quý 1/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền, ông Nguyễn Văn Thọ thông tin.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo nghiên cứu cơ chế phát triển khu thương mại tự do tại Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và hệ thống kho bãi dịch vụ hậu cần cảng để giảm chi phí và tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống cảng biển.

Tóm lược

Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc khai thác tàu và vận tải của Hãng tàu Maersk tại Việt Nam đánh giá, CM-TV là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam và cũng là điểm đến thu hút hàng trung chuyển quá cảnh. Thông qua CM-TV, các hãng tàu có thể triển khai được các tàu lớn và tuyến dịch vụ nối thẳng từ Việt Nam đến các thị trường lớn trên thế giới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc phải trung chuyển qua cảng chuyển tải.

Thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội cho CM-TV. Tuy nhiên, các chuyên gia cảng biển cho rằng, cần tạo ra các tuyến bến dài để tiếp nhận đồng thời nhiều tàu mẹ; phát triển các KCN tại khu vực cảng tạo nguồn hàng ban đầu; thêm các trung tâm dịch vụ logistics, depot, kho bãi; bố trí thêm bến cho tàu chuyển tải container. TX. Phú Mỹ hay TP. Vũng Tàu sẽ thành trung tâm kết nối cho các hãng tàu, chủ hàng toàn cầu… Muốn vậy, cần phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng với CM-TV.

Ngoài ra, để CM-TV trở thành cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế thật sự theo quy hoạch của Thủ tướng, đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xác lập và triển khai cơ chế chính sách mang tính đột phá cho cụm cảng. Qua đó, cho phép áp dụng hệ thống thuế ưu đãi, thu hút đầu tư thành khu thương mại tự do, sớm hình thành Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ; xây dựng hệ thống pháp luật ổn định, thuận lợi cho doanh nghiệp để thu hút hàng trung chuyển quốc tế qua cảng.


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.