Vai trò của vận tải biển

Bạn quan tâm đến vai trò của vận tải biển hiện đang tác động như thế nào đến phát triển kinh tế các quốc gia cũng như toàn cầu?

Trong bài viết này, tôi sẽ thảo luận về nội dung đó.

Muốn biết vai trò của ai, của cái gì, thì chúng ta thử nghĩ giả sử không có người đó, không có thứ đó thì mọi việc sẽ ra sao.

Vậy giả sử thế thế giới không có (hoặc không sử dụng đến) phương thức vận tải biển, thì sẽ thế nào? Đây là một số “hậu quả” có thể thấy:

  • Không thể chuyển được hết lượng hàng hiện cần vận chuyển. Theo UNCTAD, vận tải biển chiếm đến 80% giao dịch thương mại toàn cầu về lượng hàng, và khoảng 70% về giá trị). Đặc biệt là hàng siêu trường siêu trọng thì sẽ rất khó khăn khi di chuyển cự ly dài. Có lẽ khi đó hàng hóa sẽ sử dụng các phương thức khác, không được phù hợp (hoặc rất tốn kém).
  • Không thể hoặc rất khó chuyển được hàng giữa các châu lục ngăn cách bởi đại dương (vd: giữa Australia với các châu lục khác, hay giữa châu Phi với châu Mỹ).
  • Không có người làm nghề tàu biển, cảng biển, công ty vận tải biển, và trường đào tạo vận tải biển. Từ đó giảm nguồn thu đem lại từ cảng biển, tàu biển, vận tải biển của các quốc gia có biển (như Việt Nam).
  • Không có hoạt động hậu cần quân sự trên biển (tàu chiến, tàu ngầm…)
  • Không có hình thức du lịch bằng du thuyền.

Từ ví dụ giả định như trên, ta thấy được vận tải biển đang đảm nhiệm vai trò quan trọng đối với hoạt động vận chuyển và giao thương toàn cầu mà tôi sẽ thảo luận chi tiết trong phần tiếp.

Transport big crane on vesselVận chuyển hàng siêu trường siêu trọng trên biển

Vai trò của Vận tải biển

Kết nối giao thương quốc tế

So sánh với GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD

Là huyết mạch kết nối thương mại toàn cầu. Như trên tôi đã đề cập, vận tải biển đảm nhiệm tới 80-90% lượng hàng hóa giao thương quốc tế (lớn nhất trong các phương thức vận tải), trực tiếp đóng góp vào hoạt động của lĩnh vực khác được nhắc nhiều tới trong thời gian gần đây là logistics và chuỗi cung ứng. Về mặt giá trị, vận tải biển đóng góp 380 tỷ USD chỉ tính riêng cước vận chuyển hàng hóa mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Trong số đó, thị trường vận tải container toàn cầu (Global Container Shipping Market) có quy mô gần 120 tỷ USD năm 2024.

Sở dĩ phương thức này đạt được con số như vậy là nhờ các ưu điểm nổi bật: có phương tiện vận tải (tàu biển) có kích thước và sức chở rất lớn, và có thể tiếp cận những vùng lục địa cách xa nhau với chi phí thấp.

Lấy ví dụ, con tàu container MSC Oscar có sức chở 19,224 TEU (chưa phải là tàu container lớn nhất hiện nay). Để vận chuyển hết lượng hàng này phải cần tới 1100 máy bay Boeing 747, hoặc khoảng 350 đoàn tàu dài 8000ft (2438.4m), hoặc 11400 xe tải hạng nặng. Xem hình minh họa dưới đây.

So sánh sức chở tàu MSC Oscar

Để có thể cảm nhận rõ hơn về vai trò, hãy điểm qua con số ước lượng hậu quả khi xảy ra sự cố trong vận tải biển:

  • Sự cố tàu Ever Given mắc cạn kênh đào Suez năm 2021: gây thiệt hại 9 tỷ USD mỗi ngày cho thương mại toàn cầu và làm căng thẳng chuỗi cung ứng vốn đã bị đứt gãy nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
  • Xung đột trên biển Đỏ từ cuối năm 2023, các hãng tàu phải đổi tuyến vận tải qua mũi Hảo Vọng (Cape Hope). Giá cước tăng từ 50-80%, châu Âu đối mặt nguy cơ suy thoái.

Kết nối du lịch

Mặc dù vận tải biển thường được hiểu là chuyên chở hàng hóa, tuy nhiên phương thức này còn phục vụ đối tượng quan trọng không kém là con người, mà chủ yếu cho lĩnh vực du lịch bằng các du thuyền.

Theo số liệu của trang porteconomicsmanagement.org, vào đầu năm 2021 có 412 du thuyền với tổng sức chở khoảng 21,3 triệu hành khách mỗi năm. Theo trang statista.com, thị trường du lịch bằng du thuyền trên toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt khoảng 30.11 tỷ USD.

Ví dụ: Trong dịp Tết Giáp Thìn (2024), siêu tàu du lịch AIDA Bella quốc tịch Ý đã chở gần 2.000 khách quốc tế là người Đức, Úc ghé đảo Phú Quốc.

Tàu AIDA Bella ghé Phú Quốc Tàu AIDA Bella ghé Phú Quốc (Ảnh: Báo hải quan)

Con tàu du lịch lớn nhất thế giới (mang tên Icon of the Seas) có chuyến hải trình đầu tiên từ cảng Miami của Mỹ. Du thuyền khổng lồ này có 20 tầng và sức chứa gần 8.000 người (với trên 5610 hành khách và 2350 thủy thủ đoàn), được bố trí 40 nhà hàng, quán bar và phòng lounge, cùng với 7 hồ bơi và 6 cầu trượt nước.

Tàu Icon of Seas

Hỗ trợ hậu cần quân sự

Thuật ngữ logistics được cho là xuất phát từ lĩnh vực quân sự >> Tìm hiểu thêm

Ngoài hàng hóa và hành khách, phương thức vận tải đường biển cũng tham gia vào một lĩnh vực quan trọng của các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc quân sự.

Các hoạt động quân sự sử dụng vận tải biển để chuyển quân đội, nhu yếu phẩm, vũ khí, quân trang quân dụng…

Vai trò khác

Vận tải biển còn góp phần tạo việc làm (theo Tổ chức hàng hải thế giới IMO: 1.8 triệu sĩ quan thuyền viên, trên 20 triệu công nhân). Đồng thời lĩnh vực này cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của các quốc gia thông qua các hoạt động cảng biển, hãng tàu, và các hoạt động liên quan đến logistics.

Làm việc trên tàu biển đã tạo cơ hội cho sĩ quan thuyền viên một nghề nghiệp có thu nhập cao (nhưng chịu nhiều vất vả). Trước đây, ai đã sống vào những thập niên 80-90 của thế kỷ trước hẳn sẽ nhớ “thủy thủ tàu viễn dương” từng là một nghề “cực hót”, là biểu tượng của sự giàu có, niềm mơ ước của nhiều người.

Đến nay nghề này dù không còn như “một thời vang bóng” nhưng thu nhập vẫn khá tốt và rất chính tắc. Sỹ quan tàu biển lương tháng trăm triệu đồng cũng không phải là hiếm. Theo khảo sát, trên tàu chở hàng rời (bulk carrier), lương thuyền viên Việt Nam ở chức danh thủy thủ trực ca (AB) và người đổ dầu (Oiler) vào khoảng 1.300-1.500 USD, lương các chức danh Thuyền phó 3 khoảng 2000-2.500 USD/tháng, thuyền trưởng được trả khoảng 6.000 - 7.500 USD/tháng.

Ngoài ra, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy đóng góp của lĩnh vực vận tải đường biển đối với sự phát triển kinh tế của các thành phố có cảng biển lớn ở Việt Nam (Hải Phòng, HCM) cũng như trên thế giới (Shanghai, Singapore, Busan, Los Angeles, Rotterdam…).

Tóm lược

Với nhiều lợi thế, vận tải biển đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa, hành khách. Nó cũng hỗ trợ đắc lực cho các quốc gia trong các lĩnh vực khác như quân sự, du lịch. Đồng thời nó cũng tạo việc làm, và đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế của các quốc gia cũng như các thành phố cảng biển.


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.