Thủ tục nhập khẩu thực phẩm chức năng

Tìm hiểu thủ tục nhập khẩu thực phẩm chức năng sẽ rất cần thiết nếu công ty bạn muốn nhập khẩu một số sản phẩm như vitamin, nước sâm, sữa bột, viên tăng lực…

Bạn đã biết các mặt hàng này có thủ tục nhập khẩu như thế nào chưa?

Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ giúp các bạn trả lời câu hỏi đó. 

Trước hết, để làm thủ tục, bạn cần hiểu được thực phẩm chức năng là gì? Những sản phẩm như thế nào được gọi là thực phẩm chức năng?

Thực phẩm chức năng là gì?

Khái niệm do IMC nêu: “Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm được dùng nhằm để hỗ trợ chức năng của các/nhiều bộ phận trong cơ thể người; có tác dụng dinh dưỡng; tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng cũng như giảm  nguy cơ gây bệnh

Xem ngay Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế, quy định về quản lý thực phẩm chức năng.

Thông tư này sẽ chỉ ra cho các bạn hiểu thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là như thế nào, hàm lượng sản phẩm như thế nào sẽ thuộc nhóm thực phẩm nào.

Công bố thực phẩm chức năng

Để làm thủ tục nhập khẩu thực phẩm chức năng trước hết bạn sẽ cần có công bố thực phẩm với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế. Việc công bố nên thực hiện trước khi hàng về. 

Cũng giống như hồ sơ Công bố thực phẩm nhập khẩu mà tôi từng chia sẻ với các bạn, thực phẩm chức năng nhập khẩu cũng có hồ sơ công bố như vậy.

Thực phẩm chức năng nhập khẩu

Dù là công bố hợp quy hay công bố phù hợp thì hồ sơ công bố thực phẩm chức năng đều cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

  • Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân(bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân). Rất nhiều doanh nghiệp làm công bố thực phẩm chức năng nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ: Xuất trình đăng ký kinh doanh có ngành nghệ kinh doanh thực phẩm. Vì vậy, để làm được công bố bạn cần lưu ý vấn đề này nhé.
  • Chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale - CFS) do nước xuất khẩu cấp, và có hợp pháp hóa lãnh sự quán Việt Nam tại nước đó. Đây là giấy tờ cực kỳ quan trọng, không những là tài liệu cần phải bổ sung trên hồ sơ online mà còn rất nhiều trường hợp phải mang lên gặp chuyên viên để đối chiếu. Điều đặc biệt lưu ý ở đây là nội dung trên CFS phải chuẩn và tên sản phẩm trên CFS và nhãn sản phẩm cùng tên trên công bố phải khớp nhau.
  • Tài liệu chứng minh công dụng. Tài liệu này không phải là bản catalogue giới thiệu sản phẩm mà là tài liệu khoa học do một cơ quan nào đó cung cấp, chứng minh về công dụng của sản phẩm, về thành phần nào trong sản phẩm mang lại công dụng đó. Lưu ý rằng, tài liệu này cần có xác nhận của cơ quan, tổ chức cung cấp.
  • Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm tại các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Phiếu kết quả này cần thiết khi làm công bố thực phẩm. Thực ra, trước khi gửi hồ sơ công bố lên cục ATTP, các đơn vị làm công bố cần mang mẫu đi thử nghiệm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo các chỉ tiêu trong Quy chuẩn hoặc dựa vào thành phần, mục đích sử dụng để công bố các chỉ tiêu phù hợp. Thường các đơn vị nhập khẩu sẽ phải nhập 1 lô hàng mẫu về và xin xác nhận hàng mẫu để lấy mẫu đi thử nghiệm (lại là một bước công việc khác phải làm từ trước).

    Lý do tôi muốn các bạn lưu ý vấn đề này khi làm công bố bởi tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp kết quả kiểm nghiệm không đạt. Không đạt so với nhãn sản phẩm, không phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Vì vậy, hãy lưu ý vấn đề này, bạn cần kiểm tra sản phẩm của bạn xem có chuẩn không, và nếu có thể hãy yêu cầu nhà xuất khẩu cung cấp cho bạn bản test tại nước của họ, để bạn có căn cứ làm việc.
Xác nhận công bố phù hợp

Trên đây là một số điều cần lưu ý cho việc công bố thực phẩm chức năng nói riêng và thủ tục nhập khẩu thực phẩm chức năng nói chung. Hoàn thành việc công bố là đã xong bước quan trọng đầu tiên, và cũng là điều kiện cần khi làm thủ tục nhập khẩu thực phẩm chức năng.

Vậy điều kiện đủ là gì?

Đó chính là kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm khi hàng về.

Ngoài bộ hồ sơ hải quan thông thường và công bố sản phẩm, để hàng hóa được thông quan bạn cần phải thực hiện thêm một bước nữa là kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các bước thủ tục nhập khẩu thực phẩm chức năng

Bước này bạn sẽ thực hiện khi hàng về tới cảng, trình tự cơ bản sẽ như sau:

  1. Đăng ký kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ quan có thẩm quyền như: Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1, tại Hà Nội), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3, tại Tp. HCM); Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (tại Hà Nội)…
  2. Khai & truyền tờ khai hải quan đính kèm theo giấy đăng ký đã được duyệt,
  3. Làm thủ tục hải quan và xin mang hàng về kho bảo quản (Tìm hiểu cách làm thủ tục hải quan tại đây).
  4. Chuyên viên tại trung tâm bạn đã đăng ký tới kiểm tra kho và lấy mẫu về kiểm tra
  5. Sau khi kiểm tra, nếu kết quả đạt, bạn nộp bổ sung kết quả cho Hải quan để thông quan lô hàng. Còn nếu kết quả không đạt thì xin chia buồn, lô hàng của bạn sẽ không được thông quan đồng nghĩa với việc bạn phải xuất trả lô hàng đó. Chẳng ai muốn rơi vào tình huống này, vì rất mất thời gian và tốn chi phí.

Trên đây là những nội dung chính về thủ tục nhập khẩu thực phẩm chức năng mà bạn cần lưu ý. Tôi mong rằng bài viết của tôi đã giúp các bạn có cái nhìn tổng quan để hoàn thiện thủ tục nhập khẩu thực phẩm chức năng, để từ đó có thể đưa những thực phẩm tốt từ các nước về với người tiêu dùng Việt Nam.

Chúc các bạn gặp nhiều thuận lợi!

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu



New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.