Kho ngoại quan là gì? Có ích lợi gì cho chủ hàng XNK?

Kho ngoại quan là gì? Chức năng thế nào? Có gì khác với kho thông thường?

Nhiều người có những thắc mắc trên khi làm việc liên quan đến lĩnh vực logistics, giao nhận vận chuyển, hay xuất nhập khẩu hàng hóa

Trong bài này, hãy cùng Vinalogs tìm hiểu chi tiết về thuật ngữ cũng như và các quy định về kho ngoại quan (KNQ).

Trước hết là khái niệm…

Kho ngoại quan là gì?

Kho ngoại quan là khu vực kho lưu trữ, bảo quản các loại hàng hóa từ Việt Nam đã làm thủ tục thông quan và đang chờ để xuất khẩu, hoặc hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho chờ làm thủ tục nhập khẩu hoặc chờ xuất khẩu đi nước khác. Kho ngoại quan trong tiếng Anh là Bonded Warehouse.

Kho ngoại quan là gì

Như vậy hàng trong KNQ có 2 nhóm chính:

  1. Với hàng xuất khẩu, thì đã làm xong thủ tục hải quan xuất (thông quan)
  2. Nếu là hàng từ nước ngoài đưa vào, thì đang chờ làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc chờ chuyển tiếp đi nước khác.

Trong thời gian lưu giữ tại kho ngoại quan, hàng hóa vẫn thuộc sở hữu của chủ hàng, và quyền này được pháp luật bảo hộ. Ngoài ra, cơ quan hải quan giám sát và quản lý KNQ, cũng như toàn bộ hàng hóa, phương tiện vận tải ra vào hoặc lưu giữ tại đó.

Nếu muốn tra cứu theo văn bản quy định của pháp luật, thì bạn có thể đọc tại Điều 4 Luật Hải quan năm 2014 có định nghĩa như sau:

"Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam."

Lấy ví dụ: Chủ hàng có lô hàng đông lạnh từ Nga về, nhưng vì lý do thương mại, nên đưa vào kho ngoại quan, chờ để xuất tiếp sang một nước khác như Trung Quốc.

Kho ngoại quan thường nằm ở đâu?

Theo quy định về kho ngoại quan, loại kho này thường được thành lập ở những khu vực có kinh tế phát triển, và có vị trí thuận lợi giao thông. Theo đó, trên thực tế chúng ta thường thấy những khu vực tập trung nhiều loại kho này:

Tại các thành phố lớn

Tại các thành phố lớn có kinh tế và công nghiệp phát triển, vị trí giao thông thuận lợi, thường có cả các phương thức vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không

Điển hình có thể thấy trên cả nước: 

  • KNQ Hà Nội, 
  • KNQ Hải Phòng, 
  • KNQ Đà Nẵng, 
  • KNQ Vũng Tàu, 
  • KNQ Thành Phố Hồ Chí Minh…

Bạn có thể thấy rằng hệ thống kho này đều nằm gần hoặc nằm trong các thành phố lớn trực thuộc Trung ương.

Tại những khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất…

Các khu công nghiệp có nhu cầu lưu kho cũng như lưu lượng hàng hóa rất lớn. Chính vì vậy, đây là địa điểm lý tưởng để xây dựng hệ thống kho ngoại quan.

Tiêu biểu là các kho tập trung ở các khu công nghiệp ở phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, hay tại phía nam như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.

Tại sao cần kho ngoại quan? Lợi ích của kho ngoại quan là gì?

KNQ đem lại những lợi ích cho chủ hàng, và đây cũng được xem như những ưu điểm của loại hình kho này, cụ thể:

  • Không phải nộp thuế nhập khẩu nếu chủ hàng xuất khẩu lô hàng đó. Trường hợp này đem lại lợi thế cho chủ hàng, nhất là khi họ mua lô hàng với mục đích (có thể) là để xuất khẩu đi nước khác. Nhờ đó mà kiểm soát dòng tiền tốt hơn, tiết kiệm chi phí vốn và thời gian làm thủ tục (so với nhập khẩu và đưa vào kho thường).
  • Chưa phải nộp thuế nhập khẩu trong thời gian hàng nhập lưu trữ tại KNQ. Trên thực tế vì những lý do nào đó mà chủ hàng muốn lưu kho 1 thời gian mà chưa muốn nhập vào nội địa.
  • Với hàng nhập khẩu, mà chủ hàng chưa muốn hoặc chưa đủ điều kiện (vd: chờ xin giấy phép) làm thủ tục nhập khẩu, thì đưa vào kho ngoại quan sẽ giúp giải phóng container, giảm phát sinh chi phí lưu container. Phí này có thể sẽ lên rất nhiều, nếu để trong thời gian dài, chẳng hạn trong vòng 1 tháng có thể tới vài chục triệu đồng (với container lạnh thì gấp vài lần số tiền đó).
  • KNQ giúp chủ hàng được quyền chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa, chuyển hàng đến kho ngoại quan khác, hoặc đến khu vực miễn thuế để bán, mà không phải đóng thuế.
Kho ngoại quan

Các dịch vụ tại kho ngoại quan

Ngoài dịch vụ chính là lưu kho, bảo quản hàng hóa, các chủ hàng có thể sử dụng thêm các dịch vụ có sẵn tại hầu hết các kho ngoại quan. Trong đó có thể gồm:

Riêng đối với loại kho chuyên dùng chứa hóa chất, xăng dầu, trong trường hợp  đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của cơ quan Nhà nước chuyên ngành, thì có thể có thêm dịch vụ liên quan đến pha chế, chuyển đổi chủng loại hàng hóa.

Hàng hóa nào không được gửi vào Kho ngoại quan?

Mặc dù KNQ có nhiều vai trò tích cực trong lưu giữ hàng hóa, nhưng không phải loại hàng nào cũng được phép đưa vào đây. Theo quy định, những loại hàng hóa sau đây không được phép gửi vào KNQ:

  1. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam;
  2. Hàng hóa gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường;
  3. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Thủ tục xuất hàng vào kho ngoại quan

Hàng hóa đưa vào kho ngoại quan phải được làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan nào phụ trách kho đó. Hàng hóa có thể là: hàng từ nước ngoài, từ nội địa, hoặc từ khu phi thuế quan.

Hàng hóa đưa từ kho ngoại quan (ra nước ngoài hoặc nội địa, từ các khu phi thuế quan), chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền phải kê khai thông tin hàng hóa xuất kho ngoại quan với Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.

Trong trường hợp hàng từ kho ngoại quan nhập khẩu vào thị trường Việt Nam thì phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài theo loại hình nhập khẩu tương ứng.

Đối với hàng hóa được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan; hàng hóa từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất; hàng hóa từ nội địa đưa vào kho ngoại quan và ngược lại phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa vận chuyển đang chịu sự giám sát hải quan. Trừ trường hợp hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu từ nội địa hoặc hàng hóa khi làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa đã mở tờ khai vận chuyển kết hợp.

>> Tham khảo thêm Quy trình xuất nhập hàng kho ngoại quan

Trong bài viết trên đây, chắc hẳn bạn đã hiểu được khái niệm kho ngoại quan là gì, đồng thời nắm được những nội dung liên quan: các dịch vụ, yêu cầu của hợp đồng thuê kho, thủ tục đưa hàng ra vào kho ngoại quan... 

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc.


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.