Các phương thức thuê tàu trong vận tải biển

Bài này sẽ giải thích chi tiết về các phương thức thuê tàu phổ biến hiện nay.

Với những bạn chưa quen với thuật ngữ, tôi sẽ giải thích nhanh về khái niệm…

Thuê tàu là gì?

Thuê tàu là việc thỏa thuận trong đó chủ tàu đồng ý cho chủ hàng thuê con tàu để vận chuyển hàng hóa hoặc cho thuê lại. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là “ship charter”.

Ghi chú: từ “người” trong các cụm từ “người thuê tàu”, “người mua hàng”… được hiểu là công ty/doanh nghiệp, chứ không phải cá nhân.

Để hiểu rõ hơn nội dung bài này, có một số khái niệm liên quan bạn cần hiểu thêm:

  • Chủ tàu, người thuê tàu
  • Chủ hàng, người mua hàng, người bán hàng
  • Tàu chuyến, tàu chợ
  • Hợp đồng thuê tàu (phía dưới)

Tiếp theo tôi sẽ đi vào nội dung chính của bài viết về…

Các phương thức thuê tàu

Có các phương thức thuê tàu phổ biến hiện nay:

  1. Thuê tàu chuyến (Voyage charter) - với biến thể COA (Contract Of Affreightment)
  2. Thuê tàu định hạn (Time charter)
  3. Thuê tàu trần (Bareboat charter)

Ngoài ra, còn 1 thuật ngữ khác là “thuê tàu chợ (liner charter)” mà nhiều người cũng xem là 1 phương thức thuê tàu. Cá nhân tôi đã tìm hiểu và không thấy hợp lý lắm nên không liệt kê trong phần trên. Dù sao để đảm bảo tính đầy đủ, tôi vẫn dành 1 phần ở cuối bài để thảo luận thêm về nội dung này.

Giờ đi vào chi tiết 3 phương thức thuê tàu vừa nêu.

1. Thuê tàu chuyến (Voyage charter)

Là hình thức thuê nguyên cả chuyến tàu để vận chuyển hàng hóa từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng.

Để cho dễ hiểu, bạn hãy cùng xem trường hợp đơn giản nhất: chủ tàu cho chủ hàng thuê con tàu để vận chuyển 1 lô hàng từ 1 cảng xếp đến 1 cảng dỡ hàng.

Những trường hợp khác có thể trở nên phức tạp hơn khi có nhiều bên tham gia, xếp dỡ nhiều cảng, nhiều mặt hàng. Cụ thể như sau:

  • Người thuê tàu thường là chủ hàng, nhưng cũng có thể là người gửi hàng được ủy quyền
  • Người cho thuê tàu thường là chủ tàu, nhưng có thể chỉ là người có quyền khai thác con tàu đó chẳng hạn như người thuê định hạn (tôi sẽ nói về thuê định hạn trong phần kế tiếp) con tàu rồi cho thuê lại theo chuyến.
  • Thường chỉ xếp hàng tại 1 cảng và dỡ hàng tại 1 cảng, nhưng có trường hợp xếp dỡ tại nhiều cảng tùy theo thỏa thuận cụ thể giữa các bên.
  • Thường chở 1 loại hàng, nhưng cũng có thể xếp nhiều loại hàng
  • Thường thuê nguyên cả tàu, nhưng cũng có trường hợp chỉ thuê 1 phần của con tàu (cùng chung chuyến tàu với hàng hóa của chủ hàng khác).

Lấy ví dụ:

Một chủ hàng cần vận chuyển lô hàng 30.000 tấn thép từ vùng neo Hạ Long của Việt Nam đi cảng Sagunto của Tây Ban Nha. Thông thường, chủ hàng sẽ liên hệ với công ty môi giới tàu (ship broker) báo rằng mình cần vận chuyển lô hàng đó vào khoảng thời gian cụ thể xác định. Người môi giới sẽ tìm con tàu phù hợp, kết nối với chủ tàu để các bên đàm phán giá cước, lịch trình, cũng như các điều khoản liên quan để đi đến ký kết hợp đồng thuê tàu.

Thực tế, nhiều khi chủ hàng muốn thuê nhiều chuyến tàu vận chuyển lượng hàng lớn trong 1 khoảng thời gian xác định với mức cước phí cố định, họ có thể ký hợp đồng với chủ tàu để thuê nhiều chuyến kế tiếp nhau theo lịch trình có trước, chẳng hạn mỗi tháng 1 chuyến tàu chở 20.000 tấn trong vòng 6 tháng. Loại hợp đồng thuê tàu này có tên là COA (Contract Of Affreightment), tạm dịch là hợp đồng thuê tàu nhiều chuyến liên tục, có tài liệu dịch là “thuê khoán”.

Đặc trưng của hình thức thuê tàu chuyến:

  • Lịch trình và hành trình vận chuyển không có sẵn hoặc cố định trước, mà do các bên thỏa thuận dựa trên nhu cầu của mình;
  • Mức cước phí không công bố trước như với tàu chợ, mà do 2 bên thỏa thuận;
  • Văn bản thỏa thuận giữa 2 bên gọi là hợp đồng thuê tàu chuyến, tiếng Anh là Voyage Charter Party.

2. Thuê tàu định hạn (Time charter)

Thuê tàu định hạn là hình thức chủ tàu cho người thuê được thuê toàn bộ con tàu trong một khoảng thời gian nhất định để vận chuyển hàng hóa. Khoảng thời gian có thể tính theo một vài tháng, hoặc một vài năm, nhưng cũng có thể tính theo thời gian của 1 chuyến.

Đặc trưng của hình thức thuê tàu định hạn:

  • Chủ tàu chịu các chi phí hoạt động (operating cost) như: lương thuyền viên, cung ứng phẩm, sửa chữa bảo dưỡng, nước ngọt, dầu nhờn… Người thuê tàu chịu các chi phí chuyến đi (voyage cost): cảng phí, nhiên liệu...
  • Thời gian thuê định hạn có thể chỉ trong vòng 1 chuyến (Trip charter), hoặc trong một khoảng thời gian xác định chẳng hạn như 6 tháng hay 1 năm (Period charter);
  • Thỏa thuận giữa 2 bên được xác định trong hợp đồng thuê tàu định hạn, tiếng Anh là Time Charter Party.
  • Người thuê tàu định hạn có thể dùng tàu để vận chuyển hàng hóa của chính mình (vai trò chủ hàng), hoặc cho bên khác thuê lại (sub-charter) theo hợp đồng thuê tàu chuyến hoặc thuê tàu định hạn.

3. Thuê tàu trần (Bareboat charter)

Thuê tàu trần là hình thức thuê tàu trong 1 khoảng thời gian xác định chẳng hạn 3 năm, theo đó người thuê tàu tự thu xếp bố trí thuyền viên, nhiên liệu, cung ứng phẩm… để vận hành và khai thác con tàu. Trong tiếng Anh, thuê tàu trần là “bareboat charter” hoặc “demise charter”.

Đặc trưng của hình thức thuê tàu trần:

  • Chủ tàu chỉ cung cấp con tàu trong tình trạng hoạt động tốt. Người thuê tàu thu xếp toàn bộ những gì cần thiết để quản lý và khai thác con tàu.
  • Người thuê có thể cho thuê lại con tàu theo chuyến hoặc cho thuê định hạn.

Hợp đồng thuê tàu (Charter Party) là gì?

Hợp đồng thuê tàu tiếng Anh là cụm từ Charter Party. Đây là văn bản thỏa thuận giữa các bên về việc thuê tàu, cùng với các điều khoản chi tiết.

Nếu ai đó để ý thì thấy từ “party” trong cụm từ trên không có ý nghĩa với hợp đồng thuê tàu.

Tôi đã thử tra cứu, thì thấy nguồn gốc của từ này được giải thích không được nhất quán. Theo Wikipedia thuật ngữ này có phát âm xuất phát từ tiếng Pháp là “charte partie", còn theo trang mtaher.com, thì nguồn gốc là từ cụm từ tiếng Latin thời Trung Cổ là “carta partita”, đều có nghĩa là "parted document" (tạm dịch là “chứng từ chia đôi”). Vào thời đó, các điều khoản hợp đồng được ghi lặp lại 2 lần trên cùng 1 trang giấy sau đó chia đôi bằng đường răng cưa để tránh giả mạo, rồi mỗi bên giữ 1 nửa.

Cũng giống như các loại hợp đồng, các bên liên quan thỏa thuận từng điều khoản liên quan đến thương vụ thuê tàu. Trong đó có các điều khoản quan trọng như:

  • Các bên trong hợp đồng: thông tin chi tiết về tên doanh nghiệp, địa chỉ, số tài khoản…
  • Thông tin về con tàu: tên tàu, quốc tịch, năm đóng, thông số kỹ thuật…
  • Với thuê tàu chuyến: Thông tin về hàng hóa, thời gian tàu sẵn sàng, tên cảng xếp cảng dỡ, điều khoản bốc dỡ hàng (ai chịu phí bốc dỡ), thưởng phạt xếp dỡ…
  • Với thuê tàu định hạn: tốc độ, mức tiêu thụ nhiên liệu, thời gian ngừng thuê (Off-hire), phân chia chi phí khai thác tàu…
  • Cước phí (tàu chuyến), tiền thuê tàu (tàu chợ), cách thức thanh toán
  • Các điều khoản khác về quyền và trách nhiệm các bên, điều khoản bất khả kháng, trọng tài…
Hợp đồng thuê tàu chuyến

Để cho đơn giản và nhanh chóng, các bên có thể đàm phán dựa trên các mẫu hợp đồng có sẵn và được sử dụng phổ biến. Cách đó có nhiều ưu điểm: tăng sự thông hiểu theo tập quán chung, tiết kiệm thời gian, tránh thiếu sót các điều khoản quan trọng…

Mỗi phương thức thuê tàu đều có các mẫu do các tổ chức uy tín biên soạn và bổ sung chỉnh sửa. Chẳng hạn:

  • Mẫu hợp đồng thuê tàu chuyến: phổ biến nhất như Gencon (tàu hàng rời, bách hóa nói chung), Asbatankvoy (tàu dầu), Synacomex (tàu ngũ cốc), Amwelsh (tàu than)
  • Mẫu hợp đồng thuê tàu định hạn: Baltime (tàu hàng khô), NYPE 93 (tàu hàng khô), Boxtime (tàu container), Shelltime (tàu dầu)
  • Mẫu hợp đồng thuê tàu trần: Barecon, Supplytime (cho tàu cung ứng ngoài khơi)

Xem thêm tên các mẫu hợp đồng thuê tàu trên website của BIMCO, i-law.com hoặc handybulk.com

So sánh các phương thức thuê tàu chuyến, thuê định hạn, thuê tàu trần

Có thể so sánh 3 hình thức thuê tàu trong vận tải biển như bảng dưới đây: phân chia trách nhiệm, chi phí…

So sánh các phương thức thuê tàuSo sánh các phương thức thuê tàu (Nguồn: Martin Stopford)

Để dễ hình dung về 3 phương thức thuê tàu nói trên, tôi lấy ví dụ tương tự về thuê xe ô tô cho gần gũi hơn với nhiều bạn:

  • Thuê xe theo chuyến: khi bạn cần di chuyển giữa 2 địa điểm (chẳng hạn Hải Phòng - Hà Nội) thì có thể thuê xe theo chuyến theo thời gian và địa điểm đi và đến cụ thể. Hình thức này giống thuê tàu chuyến.
  • Thuê bao xe dài hạn: một số công ty nước ngoài thuê xe có tài xế dài hạn, chẳng hạn một vài tháng hoặc theo năm. Công ty thuê được toàn quyền sử dụng xe theo lộ trình và thời gian họ mong muốn. Chủ xe bố trí tài xế, người thuê tự trả tiền xăng xe, phí cầu đường. Hình thức này giống thuê tàu định hạn.
  • Thuê xe trơn (không có tài): công ty thuê xe dài hạn và tự bố trí tài xế, tự đổ xăng và chịu phí cầu đường. Chủ xe chỉ đảm bảo xe đủ điều kiện hoạt động bình thường. Hình thức này giống thuê tàu định hạn.

Tất nhiên đây chỉ là ví dụ để minh họa cho dễ hình dung 3 hình thức thuê tàu. Thuê tàu và thuê xe chỉ tương tự chứ không hoàn toàn giống nhau.

“Thuê tàu chợ” có phải là 1 phương thức thuê tàu không?

Như tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết, có nhiều tài liệu tiếng Việt, nhất là trên các website, liệt kê thêm cả Thuê tàu chợ (Liner charter) vào các phương thức thuê tàu.

Tàu chợ được hiểu là hình thức vận chuyển với lịch trình và biểu giá cước cố định và được công bố trước. Có thể thấy rất phổ biến hiện nay là hình thức vận chuyển hàng hóa bằng tàu container.

Liệu như vậy có hợp lý không?

Tôi đã thử tìm trên internet (tiếng Anh), và cũng tìm trong một số tài liệu nước ngoài có uy tín (chẳng hạn cuốn Maritime Economics của Martin Stopford), thì không như vậy, họ không đề cập tới phương thức thuê tàu nào có tên “Liner charter”. Như vậy, việc liệt kê “thuê tàu chợ” vào các phương thức thuê tàu cùng với 3 phương thức tôi đã nêu ở trên, là có vẻ không được chính xác cho lắm.

Nếu vậy, thì nên xếp hình thức thuê vận chuyển bằng tàu chợ vào đâu?

Để trả lời, tôi muốn nêu lên 2 điểm sau đây:

  • Thuật ngữ “thuê tàu” trong tiếng Việt được dịch ra từ thuật ngữ tiếng Anh là “Ship charter”. Nếu xét theo hướng này, thì tài liệu tiếng Anh không đề cập tới “liner charter”. Nếu chúng ta sử dụng là tự “sáng tạo” và thiếu cơ sở.
  • Với hình thức tàu chợ (liner), người gửi hàng chỉ thuê 1 phần nhỏ (nhiều khi là rất rất nhỏ, chẳng hạn 1/10.000 container) trên con tàu. Như vậy, bản chất có thể hiểu là việc “thuê vận chuyển”, hay “thuê chỗ trên con tàu chợ” có vẻ chính xác hơn là dùng thuật ngữ “thuê tàu”. Lấy ví dụ trong thực tế, khi bạn cần gửi 1 kiện hàng theo đường hàng không từ Hải Phòng vào Tp. HCM, thì sẽ dùng từ “gửi hàng” hoặc “thuê vận chuyển”, chứ ít ai nói “thuê máy bay”. Tương tự như vậy, dùng thuật ngữ “thuê tàu chợ” là theo thói quen chứ chưa phù hợp về ngữ nghĩa và nguồn gốc của thuật ngữ.
  • Nguyên gốc, hợp đồng được sử dụng là “charter party”. Với tàu chợ, chứng từ thuê tàu không phải là “charter party”, mà là “booking note” (Thỏa thuận lưu khoang). Hai chứng từ này về cơ bản là khác nhau, trừ khi chúng ta “cố gắng” xem cái này là biến thể của cái kia (mà không hề có lý do xác đáng và đủ thuyết phục).

Với lập luận như trên, theo quan điểm của tôi, nên xếp nghiệp vụ thuê vận chuyển bằng tàu chợ (tàu container chẳng hạn) vào hình thức “thuê vận chuyển” hoặc “thuê chỗ” trên tàu, chứ không phải là “thuê tàu”.

Tất nhiên theo thời gian, việc sử dụng từ ngữ sẽ do thói quen, dùng nhiều thành đúng, thành hợp lý. Nhưng cho đến lúc mọi người đều đồng ý như vậy, tôi vẫn giữ quan điểm trên của mình. Nếu bạn có thể có cách nghĩ riêng của mình, hãy chia sẻ để cùng đàm luận.


Tài liệu tham khảo

  • Sách Maritime Economics - 3rd Edition (Page 182)
  • Sách Logistics và Vận tải quốc tế (trang 129)
  • Charter Party - https://max-eup2012.mpipriv.de/
  • Time Charterparties Sysnopsis (UNCTAD)
  • Standard Charterparties

New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.