Phí LSS là gì? Các quy định mới về phụ phí giảm thải lưu huỳnh

Phí LSS là loại phí thường gặp trong hoạt động vận tải và được áp dụng cho các tuyến vận tải đường biển và hàng không. Vậy phí LSS là gì? Hãy cùng nhau tìm hiểu ngay qua bài viết này.

Phí LSS là gì?

Phí LSS viết tắt của từ Low Sulphur Surcharge là phụ phí giảm thải lưu huỳnh, được áp dụng đối với vận tải hàng hóa đường biển, hàng không. Nhiều nhất là đường biển vì lượng xả thải của các con tàu là rất lớn.

Do lượng nhiên liệu được sử dụng nhiều trong các tàu thương mại hiện nay có hàm lượng lưu huỳnh cao, có hại cho môi trường, vì vậy Tổ chức Hàng hải Quốc tế - IMO (International Maritime Organization) đưa ra các biện pháp nhằm giảm tác động có hại của vận chuyển đến môi trường kể từ những năm 1960.

Đa phần các tuyến thương mại sẽ thu loại phí này đặc biệt là các khu vực kiểm soát khí thải (ECA).

Cách tính phí LSS thế nào?

  1. Cách tính phí LSS sẽ không thay đổi theo loại hàng. Tuy nhiên đối với những container đặc biệt, có giá trị cao như container lạnh hay container hàng nguy hiểm thì cách tính LSS cũng sẽ phải cao hơn đôi chút.
  2. Cách tính phí này phụ thuộc phần nhiều bởi biến động giá xăng dầu thế giới nên thường thì 3 tháng 1 lần các hãng tàu sẽ đăng những thông báo quy định điều chỉnh cụ thể và update công khai trên website hoặc các kênh thông tin của hãng tàu đó.
  3. Có thể bạn sẽ thấy không có nhiều thay đổi về phụ phí LSS này mà chỉ thấy cước tăng lên vì nhiều hãng tàu không tính riêng phụ phí LSS trên hóa đơn và bảng báo giá cước tàu mà cộng dồn phí LSS vào giá cước tàu, dẫn đến giá cước tàu tăng.

Một số quy định về Phụ phí lưu huỳnh LSS

Một số quy định được ban hành liên quan đến khí thải lưu huỳnh bao gồm:

  • Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm Không khí từ các loại tàu thủy
  • Cách kiểm soát khí thải từ tàu (oxit lưu huỳnh (SOx), oxit nitơ (NOx), các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS), các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)
  • Đóng góp vào việc xử lý cải thiện đối với tình trạng ô nhiễm không khí tại địa phương và toàn cầu
  • Các vấn đề sức khỏe của con người và các vấn đề môi trường
  • Những thay đổi trong việc quy định giới hạn hàm lượng lưu huỳnh

Thời gian áp dụng phụ phí lưu huỳnh LSS

Từ ngày 1/1/2020, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ban hành quy định mới yêu cầu toàn bộ tàu container cũng như tàu hàng rời… chạy trên biển phải tuân thủ giới hạn tối đa đối với hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu là 0,5%, thấp hơn rất nhiều so với giới hạn trước đó gần nhất là 3,5%.

Các mức giới hạn đã có sự thay đổi giảm dần trong gần hai thập kỷ qua, từ khi Phụ lục VI của Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL) có hiệu lực từ năm 2005.

Vào tháng 4 năm 2018, hơn 100 quốc gia thành viên đã gặp nhau tại IMO Liên Hợp Quốc ở London và áp dụng chiến lược ban đầu về giảm phát thải khí nhà kính từ tàu ít nhất 50% vào năm 2050 so với mức của năm 2008.

Giới hạn toàn cầu đến năm 2019 đối với hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu của tàu là 3,5% m/m (theo khối lượng).

Các quy định để giảm lượng khí thải oxit lưu huỳnh đã đưa ra giới hạn toàn cầu mới về hàm lượng lưu huỳnh của tàu và kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, giới hạn toàn cầu mới về hàm lượng lưu huỳnh sẽ là 0,5% m/m.

Các biện pháp giúp đáp ứng tiêu chuẩn giới hạn mới

Nhằm để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí mới, IMO đã tư vấn một số biện pháp như sau:

Tàu có thể đáp ứng yêu cầu bằng cách sử dụng dầu nhiên liệu tuân thủ lưu huỳnh thấp. Số lượng tàu ngày càng tăng cũng đang sử dụng khí đốt làm nhiên liệu khi đốt cháy dẫn đến lượng khí thải oxit lưu huỳnh không đáng kể.

Điều này đã được IMO công nhận trong bộ luật quốc tế về tàu sử dụng Gas và nhiên liệu Flashpoint thấp khác (Mã IGF), được áp dụng vào năm 2015. Một loại nhiên liệu thay thế khác là methanol đang được sử dụng trên một số dịch vụ biển ngắn.

Các tàu cũng có thể đáp ứng các yêu cầu phát thải NOx bằng cách sử dụng các phương pháp tương đương đã được phê duyệt, chẳng hạn như hệ thống làm sạch khí thải hoặc máy lọc khí, mà làm sạch khí thải trước khi chúng được thải vào khí quyển. Trong trường hợp này, sự sắp xếp tương đương phải được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý tàu (Quốc gia).

Đương nhiên các yêu cầu tuân thủ như vậy mang lại chi phí bổ sung và không chắc chắn về chi phí nhiên liệu cho các hãng tàu và vận chuyển.

Chi tiết về phí LSS là gì - phụ phí giảm thải lưu huỳnh

Theo ước tính, giá cước vận chuyển bằng tàu biển có thể sẽ tăng từ 01/01/2020. Nhiều chủ hàng cho biết sẵn sàng chấp nhận trả chi phí tăng thêm này dưới dạng phụ phí nhiên liệu sử dụng nhiên liệu có độ lưu huỳnh thấp (Low Sulphur Surcharge – LSS).

Đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi này là các hãng tàu container đã công bố thu thêm phụ phí nhằm tuân thủ theo tiêu chuẩn mới của IMO do họ phải chịu mức tăng chi phí ước tính lên tới 15 tỷ đô la Mỹ.

Phụ phí LSS không phải là loại phụ phí mới, vì nó đã được áp dụng trong một số tuyến dịch vụ nhất định có liên quan đến các vùng bờ biển nhạy cảm, cho nên nhiều hãng tàu đã áp dụng mức thu phụ phí này từ nhiều năm trước. Vì sự thay đổi trong việc áp dụng mức giới hạn lưu huỳnh năm 2020 nên phụ phí LSS được áp dụng rộng rãi hơn trên nhiều tuyến dịch vụ tàu biển.

Phí LSS tại Việt Nam

Tại Việt Nam, ngày 02/03/2020, Tổng cục hải quan ban hành công văn 2008/TCHQ-TXNK trả lời về việc liên quan đến phụ phí giảm thải lưu huỳnh LSS sẽ được điều chỉnh công vào trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu chưa có trong giá thực tế thanh toán của hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, khoản phụ phí LSS là số tiền chi phí chi trả cho việc các phương tiện vận tải đi qua khu vực có áp dụng biện pháp kiểm soát khí thải trong quá trình vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đến nước nhập khẩu. Do thuộc phạm vi các chi phí liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên nên phụ phí LSS là khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp phải trả khoản phụ phí LSS và khoản tiền này chưa bao gồm trong tổng số tiền mà doanh nghiệp thực thanh toán cho người bán hàng hóa thì phải điều chỉnh công vào trị giá hải quan hàng nhập khẩu.

Trường hợp người khai hải quan phải nộp thuế giá trị gia tăng cho phụ phí LSS thì số tiền thuế giá trị gia tăng không phải tính vào trị giá hải quan.

Phụ phí LSS áp dụng đầu tiên tuyến châu Âu, Bắc Mỹ

Hiện tại phụ phí sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2015 và ảnh hưởng trực tiếp đến các điểm điểm đi và điểm đến tại các khu vực kiểm soát khí thải ECA. Được áp dụng vào khu vực Châu âu và Bắc Mỹ.

Mức phụ phí LSS được xác định theo tuyến vận chuyển và áp dụng bằng nhau cho hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu, hàng khô và hàng đông lạnh. Mức phí này sẽ được xem xét hàng quý và sẽ được điều chỉnh để tính đúng chi phí cho nhiên liệu ít lưu huỳnh, điều này ảnh hưởng bởi biến động của giá nhiên liệu thế giới.

Vào ngày 01 tháng 01 năm 2019, Trung Quốc ban hành quy định mới về khu vực kiểm soát khí thải (ECA) trong vùng lãnh hải của Trung Quốc. Khu vực kiểm soát khí thải được nêu trong quy định bao gồm khu vực ven biển và khu vực kiểm soát trong thủy nội địa.

Phí LSS tham khảo tại một số khu vực

Lưu ý đây chỉ là mức tham khảo và có tính thời điểm, phí cụ thể sẽ được hãng tàu thông báo với từng lô hàng

  • Northwest Europe/New York                     $100-200
  • Baltic/New York                                       $200-300
  • Northwest Europe/Savannah                    $100-200
  • Baltic/Savannah                                      $150-300
  • Northwest Europe/East Coast, Canada      $80-260
  • Baltic/East Coast, Canada                        $180-370
  • China/Northwest Europe                          $100-200
  • China/Baltic                                            $150-300
  • China/West Coast, US                              $150-300
  • China/East Coast, US                               $100-200

Một số hãng tàu tại Việt Nam áp dụng phí LSS cho hàng xuất từ Việt Nam đi các nước khu vực Đông Nam Á và Châu Á từ năm 2019.

Phí LSS tại một số Lines

  • TS Line áp dụng từ ngày 01/11/2019
  • Yangming Line áp dụng từ ngày 20/10/2019
  • Inter-Asia áp dụng từ ngày 01/11/2019
  • Evergreen áp dụng từ ngày 01/11/2019
  • Wanhai Line áp dụng từ ngày 01/11/2019

Nhìn chung việc bảo vệ môi trường đang là các vấn đề cấp bách của thế giới, việc có phụ phí LSS sẽ làm cho các hãng tàu nhận biết được nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường toàn cầu.

Một số tên gọi khác của phí LSS là gì?

Mặc dù thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, Tuy nhiên, các hãng tàu khác nhau lại gọi nó bằng nhiều tên khác nhau:

  • Phụ phí lưu huỳnh thấp (LSS)
  • Phụ phí nhiên liệu xanh (GFS)
  • Phụ phí khu vực kiểm soát khí thải (ECA)
  • Phụ phí nhiên liệu lưu huỳnh thấp (LSF)

Giá cước vận chuyển bằng tàu biển đã tăng kể từ ngày 01/01/2020. Nhiều chủ hàng cho biết sẵn sàng chấp nhận trả chi phí tăng thêm này dưới dạng phụ phí nhiên liệu sử dụng nhiên liệu có độ lưu huỳnh thấp (Low Sulphur Surcharge – LSS)

Diễn biến dịch covid kéo dài từ năm 2019 đến hết 2020 và 2021 kéo sang năm 2022, cước vận chuyển tàu biển đã tăng chóng mặt do nhiều nơi đứt gãy chuỗi vận chuyển toàn cầu. Ở nhiều nước, lượng tài xế xe để kéo hàng ra các hàng cũng như trả vỏ container rỗng trầm trọng làm lượng container bị dồn ứ ở khu vực Châu u, Mỹ rất nhiều. Trong khi nơi sản xuất và xuất hàng hóa lại chủ yếu là phía đầu châu Á như Trung quốc, Việt nam, Ấn Độ…

Theo phản ánh từ một hội viên của VLA, từ tháng 11/2019, các hãng tàu đã có thông báo thu phụ phí LSS. Doanh nghiệp hiểu và thể hiện sự đồng thuận với những quy định của IMO nhằm bảo vệ môi trường. Phụ phí LSS này được áp dụng tại cảng xếp hàng (Port of Loading – POL).

Những ý kiến trái chiều về phí LSS tại Việt Nam

Theo đó, tất cả chủ hàng (shipper) gửi hàng từ Việt Nam đi nước ngoài đã và đang đóng các phí này cho các hãng tàu. Tuy nhiên, hiện tại có một số hãng tàu tuyến Trung Quốc về Việt Nam lại thu phí này tại cảng đích (Port of Destination), như hãng tàu SITC. Tiếp theo là các chủ gom hàng (Master Consolidator/Forwarder) tại Việt Nam, theo yêu cầu của đại lý của họ từ Trung Quốc, lại thu phí này (LSS) từ nhà nhập khẩu Việt Nam để hoàn trả lại toàn bộ cho đại lý tại Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng, việc thu phí LSS tại cảng đích như vậy là sai nguyên tắc vì LSS là phụ phí phát sinh ở cảng đi (POL) và phải được trả bởi các Shipper chứ không phải nhà nhập khẩu. Điều này đã làm tăng chi phí và gánh nặng cho nhà nhập khẩu của Việt Nam.

Việc thu phí LSS tại Việt Nam để trả lại cho đại lý bằng hình thức phát hành hóa đơn GTGT (VAT) 10%, như vậy phụ phí này đang được xem như phí tại địa phương (local charge) nên đã làm phát sinh doanh thu phụ phí đối với doanh nghiệp phát hành hóa đơn, dẫn đến phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài.

Trên đây là những nội dung giải đáp thắc mắc về phí LSS là gì cũng như những vấn đề liên quan tới loại phí này. Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc.

Tham khảo thêm:


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.