Hợp chuẩn hợp quy là gì - đối với hàng hóa XNK

Hợp chuẩn Hợp quy là gì? Câu hỏi này có lẽ nhiều bên doanh nghiệp (DN) cũng như những bạn mới vào nghề làm thủ tục xuất nhập khẩu cho DN vẫn còn bỡ ngỡ và thắc mắc.

Hiện tại có rất nhiều hàng hóa để được phép nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam, trong số đó có nhiều loại cần phải được công bố hợp chuẩn, hợp quy. Việc tìm hiểu khái niệm cũng như thủ tục liên quan là rất quan trọng, bởi nếu doanh nghiệp không tìm hiểu trước về chính sách mặt hàng và các quy định về hợp chuẩn hợp quy đó thì hàng hóa sẽ rất có thể không đủ điều kiện nhập khẩu cũng như lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau hiểu rõ hơn về Hợp chuẩn Hợp Quy là gì, cũng như cách thức làm công bố Hợp chuẩn Hợp quy như thế nào.

Trước hết là một vài khái niệm.

hợp chuẩn hợp quy là gì

Hợp Chuẩn Hợp Quy là gì?

Về cơ bản có thể hiểu hợp chuẩn hợp quy là việc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được xác định là phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế… có liên quan.

Nếu đi vào chính xác cụ thể thì cần tách thành 2 (nhóm) khái niệm riêng:
Hợp chuẩn: là việc sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn nào đó, có thể là tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế…

Tương ứng với khái niệm hợp chuẩn là thuật ngữ “tiêu chuẩn”.

  • Tiêu chuẩn: là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá các đối tượng trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng. Áp dụng cho sản phẩm nhóm 1 theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Đây là nhóm sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng và không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Hợp quy: là việc đánh giá, xác nhận sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

Với khái niệm hợp quy này, thì lại liên quan đến thuật ngữ “quy chuẩn kỹ thuật”.

  • Quy chuẩn kỹ thuật: Quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn. Áp dụng cho sản phẩm nhóm 2 theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Đây là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Thông thường để khẳng định chất lượng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mình sản xuất ra, các tổ chức, cá nhân, thường tìm đến một bên thứ ba có thẩm quyền để xác nhận về tính đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc gia, quốc tế, khu vực và tiêu chuẩn của nước ngoài hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương của hàng hóa.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC & QCKT) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Trong đó có quy định về “chứng nhận hợp chuẩn” và “chứng nhận hợp quy”. Tuy nhiên, còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa phân biệt được sản phẩm, hàng hóa của mình nhập khẩu hay sản xuất tiêu thụ thuộc nhóm nào để thực hiện việc đánh giá và công bố hợp quy hay hợp chuẩn cho đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Khác nhau giữa Hợp chuẩn Hợp quy là gì?

Mặc dù chúng ta vẫn thường gọi liền “hợp chuẩn hợp quy” cho thuận miệng, nhưng thực tế đó là 2 khái niệm riêng biệt, như trên đã nêu.

Giống nhau:

Đều là cách thức để đánh giá về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường hay sản phẩm nhập khẩu phục vụ sản xuất.

Khác nhau:

Hợp chuẩn đánh giá sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn nào đó, dành cho nhóm sản phẩm không có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng và không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Trong khi đó, Hợp quy đánh giá các sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, dành cho sản phẩm có khả năng gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng và có khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Chứng nhận Hợp Chuẩn và Chứng nhận Hợp Quy là gì?

Chứng nhận là một thủ tục mà bên thứ ba áp dụng để đảm bảo rằng một đối tượng nào đó phù hợp với các yêu cầu quy định.

Bên thứ ba” là một tổ chức độc lập với người cung cấp và khách hàng được gọi là “Tổ chức chứng nhận”. Bên chứng nhận này được chỉ định và cấp phép hoạt động của các tổ chức như cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục An toàn – lao động (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội), Bộ Khoa Học Công Nghệ, Bộ Nông nghiệp….

Theo Luật TC & QCKT Việt Nam xác định có hai hình thức chứng nhận là:

  • Chứng nhận hợp chuẩn là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực Tiêu chuẩn phù hợp với Tiêu chuẩn tương ứng. Chứng nhận hợp chuẩn về nguyên tắc là hoạt động tự nguyện, tuy nhiên trong một số trường hợp theo yêu cầu của khách hàng thì nó trở thành bắt buộc.
  • Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực Quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chứng nhận hợp quy được thực hiện một cách bắt buộc.

Tại Việt Nam:

  • Chứng nhận hợp chuẩn được kí hiệu là: TCVN
  • Chứng nhận hợp quy được kí hiệu là: QCVN

Ví dụ minh họa cho 2 khái niệm này:

Ở đất nước đang phát triển như là Việt Nam Gạo trắng là nguồn sản phẩm, lương thực chính của người dân. Nếu người nông dân tự trồng cây lúa và thu hoạch gạo để ăn thì không có vấn đề gì nhưng để đưa ra thị trường phục vụ cho mục đích buôn bán kinh doanh trong nước thì phải được kiểm nghiệm.

Kiểm nghiệm mặt hàng gạo trắng cho người ăn nên vấn đề an toàn thực phẩm là rất quan trọng nên trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải phù hợp với các quy chuẩn:

  • QCVN 8-1:2011/BYT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm”
  • QCVN 8-2:2011/BYT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm”
  • QCVN 8-3:2012/BYT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm”

Và để khẳng định hơn về uy tín và chất lượng gạo của các đơn vị cung cấp thì gạo trắng còn phải phù hợp với các tiêu chuẩn:

  • TCVN 8049:2009 – Gạo. Xác định đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Phương pháp sắc ký khí
  • TCVN 11888:2017 Tiêu chuẩn áp dụng cho các loại gạo trắng.

Còn nhiều yêu cầu nữa theo từng dòng mặt hàng gạo riêng biệt, trên chỉ là một vài quy chuẩn, tiêu chuẩn cho bạn đọc tham khảo.

Sau khi đã có Chứng nhận hợp chuẩn hay Chứng nhận hợp quy do Tổ chức chứng nhận cấp, các đơn vị DN hay cá nhân có thể làm Công Bố Hợp Chuẩn hay Công Bố Hợp Quy.

hợp chuẩn hợp quy là gì

Công Bố Hợp Chuẩn và Công Bố Hợp Quy là gì?

Công bố hợp chuẩn

  • Là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng (theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động tự nguyện, không mang tính bắt buộc. Công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.
  • Nơi công bố hợp chuẩn: Các tổ chức cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp tỉnh; nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn. Dấu hợp chuẩn không bắt buộc.

Công bố hợp quy

  • Công bố hợp quy: là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động bắt buộc và đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
  • Nơi công bố hợp quy: Các tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại cơ quan chuyên ngành (các Sở chuyên ngành); nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Dấu hợp quy (CR) bắt buộc sử dụng trên sản phẩm, hàng hóa đã được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.

>> Tìm hiểu thêm về Công bố hợp chuẩn, Công bố hợp quy cho hàng XNK

Tóm lược

Từ những nội dung trên, chúng ta có thể nhận thấy có những hàng hóa, sản phẩm để được nhập khẩu hay sản xuất tiêu thụ trong nước thì bắt buộc phải làm Công bố Hợp Quy, nhưng cũng có những hàng hóa khác lại chỉ cần làm Công Bố Hợp Chuẩn một cách tự nguyện. Một khi các sản phẩm được chứng nhận có nghĩa là sản phẩm đó có các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh an toàn phù hợp với quy định trong tiêu chuẩn (hoặc quy chuẩn kỹ thuật) có liên quan. Điều này đã tạo lòng tin của khách hàng đối với nhà sản xuất, góp phần nâng cao uy tín của nhà sản xuất, vì thế giúp cho nhà sản xuất dễ dàng trong việc mở rộng thị trường và thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm hơn.

Những sản phẩm được chứng nhận sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn đối với những sản phẩm cùng loại khi chưa được chứng nhận. Chính vì vậy mà hoạt động chứng nhận sản phẩm đã trở thành công cụ tiếp thị hữu hiệu cho nhà sản xuất. Chứng nhận sản phẩm cũng là một cách thức kiểm soát sản xuất, trên cơ sở đó sẽ giúp nhà sản xuất giữ ổn định chất lượng; cải tiến năng suất; giảm sự lãng phí và giảm tỷ lệ sản phẩm bị phế phẩm.

Cuộc sống sẽ càng ngày càng phát triển nên những đánh giá, yêu cầu về chất lượng cũng có thể sẽ càng ngày càng cao hơn nhưng chính chúng mang lại giá trị về sức khỏe về lòng tin của con người...

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu rõ hơn khái niệm hợp chuẩn hợp quy là gì. Cám ơn các bạn đã đọc!


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.