Thủ tục nhập khẩu xe nâng, máy xúc, máy đào...

Bạn muốn tìm hiểu thủ tục nhập khẩu xe nâng, máy xúc, máy đào…? Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết về các bước cần thiết.

Tôi xin liệt kê dưới đây một số loại máy móc thiết bị có cùng loại thủ tục nhập khẩu như xe nâng (gồm cả xe nâng điện), máy xúc, máy đào… danh từ gọi chung nhóm này là xe máy chuyên dùng, như nêu ra tại Phụ Lục 1 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT:

  1. Máy làm đất: máy ủi, máy xúc, máy đào, máy san, máy cạp…
  2. Máy thi công mặt đường + nền móng công trình: xe lu, máy đóng cọc, máy ép nhổ cọc, máy khoan cọc nhồi, máy nghiền đá, máy bơm bê tông…
  3. Máy xếp dỡ: xe nâng, cần trục, máy xúc.
  4. Xe máy chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp: máy kéo bánh lốp, bánh xích.

Trước khi đi vào chi tiết, bạn có thể muốn tìm hiểu trước một số bài viết khác có liên quan để có cái nhìn tổng thể hơn:

Khi đã nắm được sơ bộ những bước chung chung, giờ chúng ta cùng xem thủ tục bạn phải làm để nhập mặt hàng xe nâng, máy xúc, máy đào… thế nào nhé.

Nếu bạn không muốn đi vào chi tiết, mà muốn thuê dịch vụ ngoài, thì vui lòng tìm hiểu thêm về Dịch vụ hải quan của Vinalogs.

Xe cẩu Kobelco 450 tại cảngKiểm tra chạy thử xe cẩu Kobelco 450 nhập khẩu về cảng Hải Phòng

Hàng xe nâng có cấm nhập khẩu không?

Theo theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, thì những mặt hàng như xe nâng, máy xúc, máy đào… trong danh sách nêu trên đều không thuộc loại cấm nhập, kể cả loại đã qua sử dụng.

Trước đây, công ty tôi làm thủ tục nhập cho một số máy đã rất cũ, có chiếc sản xuất từ những năm 1970, nhưng vẫn được nhập.

Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ KHCN, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, trong đó quy định tuổi máy cũ "không quá 10 năm", tuy nhiên không gồm các loại xe máy chuyên dùng nêu trong phạm vi bài viết này.

Theo quy định thì xe nâng, máy xúc đào, xe lu, xe cẩu tự hành... chịu quản lý chuyên ngành của Bộ giao thông vận tải, chứ không phải của Bộ Khoa học Công nghệ. Do vậy, xe quá 10 năm vẫn có thể được nhập khẩu.

Mặc dầu vậy, bạn cũng cần lưu ý, trong Phụ lục I.II.8 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP nêu rõ các loại hàng bị cấm nhập khẩu, trong đó có "Các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ", cho dù là xe cũ hay mới. Nếu cố ý hoặc vô ý nhập về là bị tịch thu ngay.

Tôi có khách hàng giữa năm 2014 nhập khẩu 1 chiếc xe nâng mới tinh của Nhật Bản về, nhưng đã bị dập lại số khung, mặc dù được hãng sản xuất Sumitomo bên Nhật xác nhận nhưng vẫn bị tịch thu (hồi đó là theo Nghị định 187). Đến giữa năm 2021, Công ty tôi lại có một khách hàng khác nhập xe máy đào bị dập lại số khung về cảng Tân Vũ, Hải Phòng, và sau hơn 1 năm vẫn nằm ở cảng chờ giải quyết (phát sinh chi phí khá tốn kém).

Cụ thể, Nghị định 69/2018 chỉ rõ những loại xe dưới đây thuộc diện cấm nhập khẩu:

    a) Phương tiện vận tải tay lái bên phải (kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam), trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp và không tham gia giao thông gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay; xe nâng hàng trong kho, cảng; xe bơm bê tông; xe chỉ di chuyển trong sân golf, công viên.

    b) Các loại ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ và bộ linh kiện lắp ráp bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

    c) Các loại rơ moóc, sơ mi rơ moóc bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung.

    d) Các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

Bạn nên lưu ý những thông tin này, để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra nhé.

Mã HS hàng xe nâng, máy xúc, máy đào, xe cẩu

Bạn có thể tham khảo một số mã HS đang được áp dụng cho nhóm mặt hàng này như sau:

  • 8427: Xe nâng hạ xếp tầng hàng bằng cơ cấu càng nâng; các loại xe công xưởng khác có lắp thiết bị nâng hạ hoặc xếp hàng.

Việc áp mã HS cần căn cứ theo công dụng, tính chất, cấu tạo... của hàng hóa, được giải thích trong tài liệu kỹ thuật, catalog đi kèm theo xe, hoặc lấy từ những nguồn tin cậy như website của nhà sản xuất... 

Mặt hàng xe nâng tay nhập khẩu có phải đăng kiểm hay không?

Nhiều người tìm hiểu thủ tục nhập khẩu xe nâng tay muốn biết mã HS code xe nâng tay là gì? Có phải đăng kiểm xe nâng tay hay không?

Câu trả lời là: Có, mã HS thuộc nhóm 8427, vẫn phải đăng kiểm như xe nâng có động cơ (xem công văn trong hình dưới đây). Nghĩa là làm các bước như trong phần dưới đây cho xe máy chuyên dùng.

Công văn 7391 về thủ tục nhập khẩu xe nâng tayCông văn hướng dẫn thủ tục nhập khẩu xe nâng tay

Thủ tục nhập khẩu xe nâng, máy xúc, máy đào… như thế nào?

Thủ tục cũng khá đơn giản thôi. Bạn cần làm 5 bước công việc chính như sau:

  1. Đăng ký đăng kiểm
  2. Nộp hồ sơ hải quan
  3. Đem hàng về kho bảo quản
  4. Kiểm tra đăng kiểm thực tế
  5. Thông quan hàng hóa

Bước 1: Đăng ký đăng kiểm

Trước khi hàng về, khi có giấy báo hãng tàu bạn đã có thể làm bộ hồ sơ đăng ký với cơ quan đăng kiểm. Hiện nay, việc nộp hồ sơ đã qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, không còn làm hồ sơ giấy như trước đây nữa.

Chi tiết hồ sơ và các bước đăng kiểm, bạn tìm hiểu trong bài viết riêng về Thủ tục đăng kiểm xe máy chuyên dùng.

Sau khi hồ sơ hợp lệ, bên Đăng kiểm sẽ cấp số vào giấy đăng ký. Bạn nhập số đăng ký đó, và (nếu cần thì) đính kèm file giấy đăng ký vào tờ khai hải quan điện tử và truyền tờ khai bằng phần mềm VNACCS.

Bước 2: Làm thủ tục hải quan

Truyền tờ khai xong, bạn đem bộ hồ sơ xuống chi cục hai quan để làm thủ tục tiếp. Vì hàng phải đăng kiểm, nên sẽ vào luồng Vàng hoặc Đỏ, chứ không Xanh được.

>> Đọc thêm bài viết về hồ sơ và trình tự làm thủ tục hải quan

Bước 3: Đưa hàng về kho bảo quản

Có 2 vị trí để cán bộ đăng kiểm tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa.

  1. Tại kho riêng của chủ hàng
  2. Tại bãi cảng nơi tàu ghé vào dỡ hàng

Với hàng xe nâng, máy đào... có kích thước nhỏ, đóng trong container, chủ hàng nên chọn phương án 1: đưa về kho riêng để làm đăng kiểm. Cách này sẽ thuận lợi cho việc lắp đặt chạy thử, và tiết kiệm phí lưu kho bãi tại cảng.

Còn nếu hàng không đóng container (đi tàu hàng rời), thì có thể chọn 1 trong 2 phương án trên đều được. Tôi thiên về phương án 2 hơn: đăng kiểm luôn tại cảng.

Lưu ý: trong thời gian bảo quản tại kho chờ thông quan, chủ hàng không được sử dụng, mua bán hàng hóa đó. Nếu vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử phạt.

Với trường hợp đầu tiên: Nếu muốn xin tạm giải phóng hàng về kho trong thời gian chờ kết quả đăng kiểm, thì bạn nộp thêm giấy tờ đề nghị hải quan xét duyệt cho mang hàng về kho bảo quản.

Hồ sơ gồm:

  1. Công văn Xin mang hàng về kho riêng để bảo quản, theo Mẫu số 09/BQHH/GSQL trong Thông tư 38/2015/TT-BTC
  2. Sơ đồ kho thiết kế khu vực lưu kho bãi;
  3. Thẩm định Phòng cháy chữa cháy của kho;
  4. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng kho bãi (như Hợp đồng thuê kho, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Khi bạn nộp hồ sơ đã chuẩn chỉnh kèm đề nghị được đưa hàng về kho, và nộp thuế nhập khẩu nữa, hải quan xem xong nếu thấy hồ sơ chuẩn chỉnh và tiền thuế đã nổi (thường thuế NK 0%, VAT 10%), thì sẽ duyệt cho bạn đưa hàng về kho bảo quản. Bạn kéo hàng về kho riêng rồi làm bước tiếp theo...

Bước 4: Đăng kiểm thực tế

Sau khi đưa hàng về kho riêng, bạn cho lắp đặt chạy thử máy. Ở bước này, bạn nên tìm và kiểm tra lại số khung số máy sẵn sàng. Khi mọi thứ ổn thỏa, bạn mời cán bộ đăng kiểm tới kiểm tra thực tế. Nếu làm qua đơn vị dịch vụ, thì bên đó họ sẽ báo đăng kiểm.

Tùy theo khu vực kho của bạn ở đâu, cơ quan đăng kiểm sẽ bố trí cán bộ đến kiểm tra. Chẳng hạn, nếu hàng đưa về kho ở Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh… thì mời đăng kiểm, họ sẽ cử cán bộ đội đăng kiểm nào gần đó tới kiểm tra. Như vậy đỡ phải di chuyển xa, tiện cho cán bộ đăng kiểm, và cũng tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Đó là trường hợp bạn đưa hàng về kho làm đăng kiểm. 

Còn với trường hợp bạn để hàng tại cảng, như khi xe bạn nhập về bằng tàu hàng rời (hàng xá) thì nên xin kiểm tra đăng kiểm luôn tại bãi cảng cũng được. Như ở Hải Phòng, nếu đi tàu hàng rời về cảng Hoàng Diệu hay Chùa Vẽ... thì mời đăng kiểm tới đó kiểm tra. Cục đăng kiểm ở Hải Phòng rất gần cảng Hoàng Diệu, khoảng cách chưa đến 1km, rất gần và thuận tiện.

Cũng có trường hợp khách hàng của Vinalogs có máy xúc đóng container, nhưng muốn rút hàng để lắp đặt chạy thử ngay tại cảng trước khi đăng kiểm (xem hàng trước khi mở tờ khai). Như vậy thì không cần xin hàng về kho bảo quản, nhưng việc rút hàng khỏi container sẽ khá vất vả (hình dưới).

Rút máy xúc từ containerRút thân máy xúc từ container
Rút cần máy xúc từ containerRút cần máy xúc từ container

Khi rút hàng khỏi container, lắp đặt xong thì làm thủ tục gửi hàng tại bãi cảng (có khu vực riêng) để chờ chạy thử, rồi mời kiểm tra thực tế.

Sau khi kiểm tra đăng kiểm xong, bạn sẽ chờ có kết quả kiểm định, thường 5-7 ngày làm việc.

Cán bộ đăng kiểm kiểm định xe cần trục nhập khẩu

Cán bộ đăng kiểm kiểm định xe cần trục nhập khẩu

Bước 5: Thông quan hàng hóa

Khi có kết quả kiểm định (lấy trực tuyến), bạn báo cho cán bộ hải quan để họ kiểm tra trên hệ thống và làm nốt khâu thông quan là xong.

Đến thời điểm này, hàng hóa mới chính thức được sử dụng, trao đổi, mua bán.

Ghi chú: một số chủ hàng lách luật bằng cách bán luôn hàng sau khi đăng kiểm nhưng chưa có kết quả thông quan. Cách này giúp họ tận dụng thời gian và cơ hội kinh doanh, nhưng cũng cần lường trước rủi ro. Nếu hàng hóa được tiêu thụ trong khi chờ thông quan mà bị hải quan phát hiện, thì sẽ bị xử phạt hành chính, và sẽ không được xin hàng về bảo quản cho những lô hàng tiếp theo (trong vòng ít nhất 6 tháng).

Các văn bản pháp luật liên quan

  • Nghị định 187/2013/NĐ-CP, sửa đổi trong 77/2016/NĐ-CP;
  • Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Phụ lục I.II về Danh mục hàng cấp nhập khẩu; 
  • Thông tư 38/2015/TT-BTC và 39/2018/TT-BTC về thủ tục hải quan;
  • Thông tư 22/2019/TT-BGTVT (thay thế 89/2015/TT-BGTVT và 41/2011/TT-BGTVT) về Đăng kiểm xe máy chuyên dùng.



Trong bài viết trên đây, tôi đã hướng dẫn cách làm thủ tục nhập khẩu xe nâng (kể cả xe nâng điện, và xe nâng tay), máy xúc, máy đào, xe cẩu... và những loại máy khác đã liệt kê ở phần đầu trang. Hy vọng bạn tìm thấy thông tin hữu ích cho việc làm thủ tục của mình.

Nếu bạn thấy các bước phức tạp, và muốn thuê dịch vụ ngoài để làm thủ tục nhập khẩu… tôi có thể giúp bạn.

Vui lòng liên hệ với tôi, hoặc gửi yêu cầu báo giá.

Rất hân hạnh được phục vụ!

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu



New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.